Quế, ớt Việt Nam nhận cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm từ EU

Theo thông báo mới nhất từ Liên minh châu Âu (EU), một số sản phẩm ớt, quế Việt Nam đã nhận cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm từ các nước Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Pháp...

Mới đây, Hiệp hội hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đã nhận được thông báo từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo danh sách, các sản phẩm nhận cảnh báo gồm quế, quế xay, bột quế hữu cơ và ớt. Các quốc gia cảnh báo gồm Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Pháp.

ds-6354.jpg
Danh sách các mặt hàng bị cảnh báo

Trước động thái trên của Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam khuyến nghị các sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào châu Âu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm của EU. Điều này bao gồm việc kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, và các chất phụ gia khác trong sản phẩm.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện các phân tích và kiểm tra định kỳ trên sản phẩm để đảm bảo không có dư lượng thuốc trừ sâu hoặc các chất hóa học khác vượt mức quy định.

Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông báo các doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng công báo về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU.

Theo đó, các sản phẩm nông sản: ớt, thanh long, đậu bắp tiếp tục bị EU tăng tần suất kiểm tra, siết chặt các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cụ thể, tần suất kiểm tra thanh long tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%. Mặt hàng ớt được chuyển từ kiểm soát 50% (phụ lục I) sang kiểm soát 50% và kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (phụ lục II).

Đậu bắp được giữ nguyên tần suất kiểm tra 50% và kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.

Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam, chiếm 42,6% đạt 38.038 tấn, tăng 14% so với năm trước. Tiếp theo là các thị trường Mỹ chiếm 11,4% đạt 10.163 tấn, tăng 7%; Bangladesh chiếm 6,2% đạt 5.564 tấn, tăng 32,1%...

Đối với ớt, cả nước có khoảng 68.100 ha trồng ớt, sản lượng ớt khô hàng năm khoảng 100.000 tấn. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 10.173 tấn ớt, kim ngạch đạt 20 triệu USD. Trung Quốc và Lào là hai thị trường xuất khẩu chính của ớt khô, đạt 8.651 tấn và 1.108 tấn, lần lượt chiếm 85% và 10,9% trong tổng lượng ớt xuất khẩu của Việt Nam.

'Báo động đỏ' ngành xi măng

'Báo động đỏ' ngành xi măng

Thừa công suất, thiếu đầu ra, chi phí sản xuất tăng cao, đang đẩy ngành xi măng vào thế nguy cấp, thậm chí rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến an ninh vật liệu xây dựng.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.