Giải pháp căn cơ quản lý thị trường vàng

Gần một tháng nay, giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn liên tục tăng cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần có những giải pháp căn cơ hơn để quản lý thị trường vàng, tránh những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế vĩ mô.

Xếp hàng mua vàng là tình trạng liên tục được tái diễn mỗi khi giá vàng bước vào giai đoạn tăng “nóng”. Anh V.A, một khách hàng mua vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết: "Trước đây, cứ có tiền là mua được vàng, bao nhiêu cũng có. Giờ có tiền chưa chắc đã mua được. Tôi chờ từ sáng, đến khi vào cửa hàng, muốn mua 5 chỉ mà cửa hàng vàng đã báo hết. Đấy là mình mua tích lũy, còn những người có việc cần như cưới hỏi thì không biết họ phải làm thế nào?”.

Nhiều rủi ro trong bối cảnh cung không đủ cầu

Nguồn cung không đủ đáp ứng khiến nhiều khi xếp hàng cũng không mua được, nhiều người đã tìm mọi cách để sở hữu, thậm chí mua vàng trên chợ online với vô vàn rủi ro.

“Cơn sốt vàng” tại Trung Quốc đã khiến hàng nghìn người mua phải vàng giả trên mạng vào tháng 5 vừa qua. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có những giải pháp quản lý hiệu quả, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng để lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng gia tăng.

Với vàng miếng SJC, các thương hiệu kinh doanh lớn đồng loạt điều chỉnh giá bán ra thị trường lên 89 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá cao nhất của vàng miếng trong 4 tháng qua, kể từ sau khi NHNN can thiệp chính sách "định giá" vàng miếng.

Mức đỉnh lịch sử của vàng miếng trước đó là hơn 92 triệu đồng/lượng, được thiết lập hồi tháng 5. So với đầu tháng 6, mỗi lượng vàng miếng hiện tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 13%.

Mức tăng giá này không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của vàng như một tài sản tích trữ an toàn mà còn cho thấy những biến động mạnh mẽ trong tâm lý thị trường. Nhiều người đã lựa chọn vàng như một kênh trú ẩn an toàn, từ đó đẩy giá vàng lên cao.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng nhẫn chưa được kiểm soát, vẫn hoạt động theo cung cầu. Tuy nhiên nguồn cung cũng khan hiếm nên đẩy giá vàng nhẫn lên rất cao. Khi giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh bởi chịu sự tác động của giá vàng thế giới. Tuy nhiên thị trường vàng trong nước đang biến chuyển phức tạp.

Chúng ta có hai phân khúc thị trường vàng miếng và thị trường vàng nhẫn. Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát bởi chính sách ổn định giá của NHNN và NHNN đã kéo được giá vàng miếng từ đỉnh 92 triệu đồng/lượng xuống mức thấp, nhưng thời gian gần đây giá vàng miếng tiếp tục lên cao. Trong khi đó nhu cầu vàng miếng vẫn rất cao, nguồn cung khan hiếm có thể sẽ đẩy giá vàng tiến tới đỉnh cũ 92 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước thời gian trước có thể lên đến 20 triệu đồng thì giờ kéo xuống 3 - 5 triệu đồng, đó là một thành công của NHNN. Tuy nhiên, NHNN chưa thành công trong vấn đề tăng cung vàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thị trường vàng nhẫn vẫn hoạt động theo cung cầu, tuy nhiên nguồn cung cũng khan hiếm đã đẩy giá vàng nhẫn lên tới gần 89 triệu đồng/lượng. Thị trường Việt Nam có hiện tượng khi giá vàng lên cao thì nhu cầu càng tăng, trong khi nguồn cung khan hiếm. Giá vàng không những bị tác động bởi thị trường vàng thế giới mà cung cầu không cân bằng cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng lên rất nhanh trong những ngày qua.

Sắp có kết luận thanh tra thị trường vàng

Giá vàng tăng vọt, đặc biệt là vàng nhẫn. Người dân có nhu cầu mua vàng thì vẫn loay hoay không thể mua nổi. Nhiều câu hỏi đặt ra: Có hay không việc doanh nghiệp "ém" vàng chờ giá tăng cao hơn? Nguồn cung vàng cho thị trường trong thời gian qua như thế nào? Và NHNN có giải pháp nào để quản lý hiệu quả thị trường vàng đang rất nóng hiện nay?

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đề xuất, cơ quan quản lý, ở đây là NHNN cùng với các bộ, ngành có liên quan cần phải tính toán xem cần nhập bao nhiêu vàng về, ở các thời điểm nào cho phù hợp để bảo đảm cân bằng quan hệ cung cầu, đồng thời kiểm soát dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô.

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai), tình trạng người dân “xếp hàng cả ngày không mua nổi một chỉ vàng” tại Hà Nội như hiện nay là không ổn. Các giải pháp quản lý thị trường vàng nêu trong báo cáo Chính phủ còn mờ nhạt. Vì vậy, đại biểu này đề nghị bổ sung nhiệm vụ quản lý thị trường vàng vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn đại biểu QH tỉnh Hà Nam), Hoàng Anh Công (đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên)… cũng nêu tình trạng khó khăn của người dân khi mua vàng, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp gỡ khó cho thị trường vàng, đặc biệt là tập trung sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Liên quan việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong nước, trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết, đã tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Trong năm 2024, NHNN phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17/5/2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận.

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, việc đánh giá lại các giải pháp tạm thời cũng như trên cơ sở kết quả thanh tra, NHNN trong quá trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 sẽ kiến nghị những giải pháp căn cơ hơn để quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Tháng 10/2023, giá vàng nhẫn được niêm yết chỉ quanh mốc 57,9-58,9 triệu đồng. Như vậy chỉ sau một năm, giá mặt hàng này hiện đã ở mức 87-89 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều, tương đương mức sinh lời hơn 50%.

Tin liên quan

Giá tiêu hôm nay 29/10: Giá tiêu khó thủng mốc 140.000 đồng/kg?

Giá tiêu hôm nay 29/10: Giá tiêu khó thủng mốc 140.000 đồng/kg?

Theo đánh giá, giá tiêu trong tuần này dự kiến sẽ tiếp tục đà giảm. Tuy nhiên hoàn lưu mưa lũ sau bão Trà Mi có thể gây ảnh hưởng cho các vườn tiêu, gây ra lo ngại ảnh hưởng sản lượng mùa vụ năm sau. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy hoặc chí ít giúp cân bằng thị trường, để không giảm thủng mốc 140.000 đồng/kg.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.