Năm 2023, xuất khẩu hạt điều cán đích với 644.000 tấn, tương ứng 3,6 tỷ USD. Con số này tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022…
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều trong tháng 12/2023 đạt 63.000 tấn, tương ứng 343 triệu USD. Tính chung năm 2023, xuất khẩu hạt điều cán đích với 644.000 tấn, tương ứng 3,6 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.
Với kết quả này, ngành điều đã vượt 18% kế hoạch 3,05 tỷ USD. Đây cũng là kết quả cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan ghi nhận tăng trưởng khả quan. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Trần Hữu Hậu, ngành điều Việt Nam đã có chỗ đứng ở Hoa Kỳ nhiều năm nay, nhu cầu của thị trường này khá ổn định.
Sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ, Vinacas kỳ vọng là doanh nghiệp hạt điều có thể tiếp cận những công nghệ, dây chuyền hiện đại của Hoa Kỳ, phục vụ cho định hướng mới của ngành. Đó là tập trung vào chế biến, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng, thay vì điều nhân như hiện nay.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc cũng ghi nhận đột phá sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid - 19, kim ngạch đạt 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu điều.
Xuất khẩu hạt điều sang Hà Lan trong năm 2023 đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều. Các thị trường tiềm năng khác như Đức, Anh, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… cũng ghi nhận kết quả khả quan trong năm 2023.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, hiện Việt Nam giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam đang bộc lộ sự bất ổn. Nguyên nhân chính là do tình trạng phát triển quá nóng các cơ sở sản xuất, chế biến điều quy mô nhỏ. Việc này khiến cho công suất chế biến vượt quá nhu cầu tiêu thụ và các doanh nghiệp phải cạnh tranh lẫn nhau để tranh mua nguyên liệu, tranh bán điều nhân.
Theo đó, tình trạng tranh mua, tranh bán này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Vinacas kêu gọi các doanh nghiệp toàn ngành trong năm 2024 không nên vội vàng mua điều thô và dự trữ nhiều khi chưa có hợp đồng bán điều nhân.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được sẽ có mức tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022 - 2027. Trong năm 2024, ngành điều được đánh giá có triển vọng tốt từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Ngọc Nhi