Lượng phát hành trái phiếu mới sẽ tiếp đà hồi phục với sự đóng góp mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng và đặc biệt là bất động sản, ông Nguyễn Đình Duy – Giám đốc phân tích VIS Rating chia sẻ trong hội thảo về môi trường tín nhiệm hôm 21/3.
Theo VIS Rating, triển vọng tín nhiệm trong 12 tháng tới, thế hiện khả năng vay và trả nợ của các doanh nghiệp, được xem xét trên bốn yếu tố chính là sức khỏe tài chính, môi trường kinh doanh, các chính sách của chính phủ và điều kiện về huy động vốn.
Đánh giá theo các nội dung này, ông Duy cho biết những điều xấu nhất đối với thị trường đã qua, triển vọng tín nhiệm năm 2024 sẽ cải thiện dần từ mức đáy, dù mức độ cải thiện sẽ là không đồng đều.
Cụ thể, môi trường kinh doanh đã được cải thiện tương đối với các cân đối vĩ mô ổn định hơn nhiều so với giai đoạn trước. Điều này thể hiện ở lượng khách du lịch đã vượt qua mức trước đại dịch, chỉ số PMI hai tháng đầu năm đều trên 50 … báo hiệu xu hướng tích cực trong năm 2024.
Về điều kiện huy động vốn, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh từ năm 2023 cùng các chỉ số về lạm phát, tỷ giá, thanh khoản đều được duy trì ở mức an toàn giúp đảm bảo mức nền lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng giảm nhưng sẽ có độ trễ. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng nợ vay, tiếp đà phục hồi.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt các chính sách như giảm thuế, tăng chi tiêu đầu tư công, cải thiện hành lang pháp lý, ban hành các luật và nghị định giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, chuyên giá của VIS Rating nhấn mạng về việc chi tiêu đầu tư công, dù đã tăng mạnh trong năm 2023, nhưng dư địa ngân sách vẫn còn rất lớn và sẽ tiếp tục tăng mạng trong năm 2024. Qua đó giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh và thu hút thêm vốn đầu tư FDI.
Điều này gián tiếp giúp nâng cao triển vọng phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với khả năng phát hành, trả nợ của doanh nghiệp được nâng lên.
Ngoài ra, về góc nhìn sức khỏe tài chính doanh nghiệp, đại diện VIS Rating đánh giá triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tích cực khi về mặt rủi ro, lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, về quy mô thị trường, lượng trái phiếu phát hành mới được kỳ vọng tiếp tục hồi phục.
Theo ông Duy, với mục tiêu đưa quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 20% GDP, tương đương khoảng hơn 100 tỷ USD vào năm 2025 cho thấy Chính phủ và các cơ quan quản lý thực sự coi đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và cần được tập trung hỗ trợ phát triển.
Trong năm 2024, VIS Rating dự báo lượng trái phiếu chậm trả sẽ giảm mạnh, xuống còn khoảng 40.000 tỷ đồng so với mức khoảng 180.000 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó đáng chú ý, hơn 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp chậm trả vẫn tập trung ở nhóm ngành bất động sản, theo sau là nhóm ngành xây dựng ở mức 18%.
Về lượng trái phiếu phát hành mới, con số này đã bắt đầu tăng mạnh kể từ cuối năm 2023, chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng.
Được biết, thị trường trái phiếu đã có giai đoạn rơi vào trầm lắng sau khi Nghị định 65 được ban hành vào cuối năm 2022, sau đó dần phục hồi nhờ Nghị định 08 được ban hành vào tháng 3/2023 với hai nội dung chính là ban hành cơ chế xử lý trái phiếu chậm trả giúp ổn định tâm lý thị trường cùng việc hoãn hiệu lực một số điều của Nghị định 65.
Kỳ vọng năm 2024 với triển vọng tín nhiệm hồi phục, VIS Rating dự báo lượng phát hành trái phiếu mới sẽ tiếp đà hồi phục với sự đóng góp mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng và đặc biệt là bất động sản.
Trước đó, một tổ chức đánh giá tín nhiệm khác là FiinRatings cũng đã đưa ra dự báo kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ sôi động hơn nhờ môi trường lãi suất thấp, nguồn cung trái phiếu mở rộng và niềm tin nhà đầu tư dần cải thiện.
Theo tổ chức này, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Thêm nữa, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn, nguồn cung trái phiếu sẽ được mở rộng. Và cuối cùng là niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện.
Mặt khác, rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cũng cần lưu ý.
Dũng Phạm