Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa công bố danh sách các cơ sở vi phạm lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thiết bị y tế, đấu thầu trên địa bàn thành phố.
KINH DOANH THUỐC KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC
Theo danh sách được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố, có 4 hộ kinh doanh nhà thuốc trên địa bàn nằm trong diện xử phạt lần này.
Cụ thể, hộ kinh doanh nhà thuốc Vạn Hạnh tại số 20 Nam Cao, khu phố 1, phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức có loạt hành vi vi phạm gồm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và xuất xứ, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.
Do đó, nhà thuốc Vạn Hạnh nhận mức xử phạt 27,8 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm thuốc Operaz – 20, Azicine 250mg, Metronidazol 250, Simvastatin 20mg. Nhà thuốc cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hộ kinh doanh Ngọc Phát tại 16A Phú Châu, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức bị phạt 800.000 đồng, buộc tiêu hủy và nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh những loại thuốc vi phạm.
Bên cạnh đó, nhà thuốc Thùy Trang tại 267 Kha Vạn Cân, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức bị xử phạt 23 triệu đồng vì bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc, không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhà thuốc Thiên Minh Phúc 8 tại 268 Long Phước, phường Long Phước, thành phố Thủ Đức đã có 3 hành vi vi phạm.
Theo đó, cơ sở này được xác định kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm thuốc Ultracet, Amlodipine Stada 10 mg, Janumet, Lipistad 10, Klamentin 500/125, Sallet.
Không những vậy, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.
Với các hành vi trên, cơ quan chức năng đã quyết định phạt 8,8 triệu đồng, buộc tiêu hủy và nộp lại số lợi bất hợp pháp do kinh doanh số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
THUỐC LÀ HÀNG HÓA ĐẶC BIỆT KHÔNG PHẢI AI CŨNG BÁN ĐƯỢC
Trước tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc được bán tràn lan, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông là việc làm cần thiết. Ngay trong chính Luật Dược năm 2016 đã quy định rõ ràng các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, cho nên quy định về việc bán lẻ thuốc được quy định rất chặt chẽ, không phải ai cũng có thể bán. Theo điều 32, 33 Luật Dược năm 2016 quy định cơ sở bán lẻ thuốc chỉ bao gồm bốn hình thức là nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc trạm y tế xã/phường/thị trấn; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Nhà thuốc tư nhân phải có địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.
Đối với cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện theo điều 69 luật này phải tuân thủ quy định về địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự.
Bên cạnh đó, Luật Dược năm 2016 cũng quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược và có 2 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp…
Theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Chương 1 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm, tùy theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính theo quy định với mức phạt từ 2 - 140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 - 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc), mức phạt với tổ chức vi phạm là gấp 2 lần.
Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; có gây ra chết người hay không... có thể phải đối mặt mức án từ 2 - 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình. Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để tránh những rủi ro có thể nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh cần đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tư vấn điều trị và sử dụng thuốc một cách khoa học theo đúng phác đồ của bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Ngọc Nhi