Phát triển thị trường vốn xanh

Phát triển thị trường vốn xanh hiện là một trong những giải pháp quan trọng của ngành tài chính, nhằm huy động nguồn vốn xã hội phục vụ việc triển khai các chính sách hướng đến “tăng trưởng xanh” (tăng trưởng bền vững) và chống biến đổi khí hậu (BĐKH), thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26) năm 2021.

Thúc đẩy thị trường carbon tự nguyện

Theo TASS, “thị trường vốn xanh” là một trong những hạ tầng cơ sở phục vụ đầu tư xanh, định hướng phát triển các chương trình, dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Để hình thành nguồn tài chính bền vững cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 theo cam kết tại COP26, nhiều sáng kiến phát triển thị trường vốn xanh được thực hiện tại một số quốc gia trên thế giới như phát triển thị trường carbon tự nguyện trên nền tảng sở giao dịch chứng khoán, tăng cường minh bạch thông tin tài chính liên quan khí hậu của các doanh nghiệp niêm yết và của các tổ chức tài chính.

Thị trường carbon tự nguyện là thị trường cho phép các cơ sở phát thải bù trừ lượng phát thải không thể tránh khỏi của mình, bằng cách mua tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án giảm phát thải, qua đó giảm lượng phát thải nhà kính trên cơ sở tự nguyện. Các dự án tín chỉ carbon được phát triển, đăng ký theo các tiêu chuẩn carbon tự nguyện gồm Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) hay Tiêu chuẩn vàng (GS), cùng các tiêu chuẩn carbon tự nguyện khác.

Thị trường carbon tự nguyện là nơi các doanh nghiệp ủng hộ những giải pháp phát thải carbon thấp bên ngoài chuỗi giá trị của họ, từ đó nhận được các tín chỉ carbon có thể dùng vào mục đích bù trừ một phần lượng phát thải của chính họ. Do đó, khi thị trường carbon tự nguyện được các doanh nghiệp sử dụng sẽ trở thành công cụ hữu ích để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chung của nền kinh tế theo hướng bền vững.

Trên thế giới, nhiều sở giao dịch chứng khoán đã thiết lập, vận hành thị trường carbon tự nguyện trên nền tảng hạ tầng thị trường chứng khoán sẵn có, như Sở giao dịch Hồng Công HKEX của Trung Quốc, Sở giao dịch chứng khoán London (Anh)... HKEX đã ra mắt Core Climate - thị trường carbon quốc tế của Hồng Công (Trung Quốc) vào tháng 7/2022 nhằm phát triển vùng lãnh thổ này trở thành một thị trường carbon quốc tế, trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của châu Á.

Sở giao dịch chứng khoán Bursa VCM của Malaysia đã mở sàn giao dịch thị trường carbon tự nguyện vào cuối năm 2022, nhằm tăng cường tính minh bạch và cho phép các tổ chức mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải của họ. Sở giao dịch Singapore đã thiết lập nền tảng giao dịch mới mang tên Climate Impact X (CIX) cho tín chỉ carbon, góp phần thiết lập mức chuẩn cho tín chỉ carbon. CIX là liên doanh của Ngân hàng DBS, Sàn giao dịch Singapore, Standard Chartered và GenZero - một công ty con của Quỹ đầu tư Temasek Holdings thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore. CIX đã bắt đầu giao dịch từ ngày 7/6/2022.

Theo Bloomberg, thị trường carbon tự nguyện năm 2021 lần đầu đạt trị giá hơn 2 tỷ USD, được dự báo sẽ tăng lên từ 10 đến 40 tỷ USD vào năm 2030, với giao dịch tương đương 0,5-1,5 tỷ tấn carbon dioxide (CO2), tăng gấp nhiều lần so giao dịch 500 triệu tấn hiện tại.

Phát triển thị trường vốn xanh cũng bao gồm việc tăng cường minh bạch thông tin tài chính khí hậu. Tại Trung Quốc, ngay từ năm 2008, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) đã ban hành hướng dẫn riêng về công bố thông tin môi trường của các công ty niêm yết. Năm 2019, SSE tiếp tục ban hành quy tắc niêm yết cổ phiếu trên SSE, bao gồm một chương đặc biệt về trách nhiệm xã hội, yêu cầu công bố bắt buộc các hành vi trách nhiệm xã hội của các công ty trên thị trường. Hiện SSE đẩy mạnh việc nghiên cứu và xây dựng Chương trình về trách nhiệm xã hội và môi trường (ESG) và các quy tắc công bố thông tin liên quan phát thải carbon của các công ty niêm yết.

Trong khi đó, Sàn giao dịch Singapore đã thông qua các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính liên quan khí hậu (TCFD) trong số các yêu cầu niêm yết của mình. Với khoảng 1.000 tổ chức tài chính áp dụng các khuyến nghị của TCFD, các tiêu chuẩn về thông tin tài chính liên quan khí hậu đang được cải thiện và gia tăng nhanh chóng.

Phát triển thị trường vốn xanh ảnh 1

Trái phiếu xanh được xem như một kênh thu hút vốn mới. Ảnh: AP

Áp dụng các công cụ tài chính trung hòa carbon

Dựa trên dữ liệu liên quan tình hình thực hiện ESG của doanh nghiệp, các sở giao dịch hoặc nhà cung cấp chỉ số chứng khoán có thể phát triển phương pháp đầu tư dựa trên chỉ số chứng khoán carbon, hay chỉ số chứng khoán khí hậu. Chỉ số này thường được phát triển trên mức độ phát thải khí CO2 của danh mục đầu tư, qua đó điều chỉnh lại các doanh nghiệp theo hướng đầu tư xanh hơn, khuyến khích thay đổi mô hình hướng tới nền kinh tế carbon thấp.

Trong 5 năm qua, một số nhà cung cấp chỉ số carbon đã đưa ra các chỉ số tập trung vào khí hậu, bao gồm Chỉ số hiệu quả carbon S&P (2018), Chỉ số phát thải carbon thấp MSCI (2014), Chỉ số phát thải carbon thấp STOXX (2016). Hiện tại các chỉ số này đều tập trung vào phát thải CO2 và chỉ khác nhau về dữ liệu, phương pháp xây dựng. Dữ liệu liên quan khí hậu được lấy từ các nhà cung cấp khác nhau. Thí dụ, STOXX sử dụng cả dữ liệu được công bố của doanh nghiệp và ước tính, S&P dựa trên chất lượng công bố thông tin. MSCI đặt mục tiêu đạt được hiệu quả giảm 50% cường độ carbon, trong khi các mục tiêu của S&P, STOXX chưa được tiết lộ. Việc xây dựng chỉ số chứng khoán carbon, chỉ số khí hậu rất khó khăn do sự thiếu hụt các tiêu chuẩn báo cáo khí hậu cho cả các công ty và các nhà cung cấp chỉ số.

Tại Trung Quốc, đối với thị trường trái phiếu, SSE đã khởi động một chương trình thí điểm cho trái phiếu doanh nghiệp xanh vào năm 2016. Tháng 2/2021, sàn giao dịch chào bán đợt trái phiếu xanh trung hòa carbon đầu tiên, huy động được 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, chứng khoán có tài sản bảo đảm trung hòa carbon đầu tiên của Trung Quốc cũng được niêm yết trên SSE vào tháng 4/2021. Cuối năm 2021, SSE sửa đổi “Hướng dẫn số 2 của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải về việc áp dụng các quy tắc phát hành, đánh giá niêm yết trái phiếu doanh nghiệp”, bổ sung những quy tắc liên quan các loại trái phiếu carbon mới.

Ngoài ra, chính phủ các nước cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp xanh niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đơn cử ở Trung Quốc, trên thị trường chứng khoán, SSE đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xanh huy động vốn trên thị trường. Năm 2020, trong số các công ty mới niêm yết trên SSE, có 4 công ty thuộc lĩnh vực bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, tăng trưởng xanh hiện được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Thị trường vốn xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trường xanh ở các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường. Để phát triển thị trường vốn xanh, chính phủ các nước được giới chuyên gia khuyến nghị tạo điều kiện cho các thành phần, khu vực kinh tế phát huy tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; kiểm soát chặt chẽ, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế, chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, chính sách, pháp luật cần tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia cần được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.