Sau khi phục hồi tăng điểm cuối phiên trước, VN-Index tăng nhẹ lên 1.289 điểm trong phiên 3/4 và bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh gia tăng, phần lớn đến từ áp lực bán gia tăng của khối ngoại, VN30, VN-Index chịu áp lực bán mạnh hơn trong phiên chiều.
Kết phiên VN-Index giảm 15,57 điểm (-1,21%) về mức 1.271,47 điểm, kiểm tra lại vùng giá quanh 1.265 điểm, tương ứng giá trung bình MA20 phiên. HNX-Index giảm 1,95 điểm (-0,79%) về mức 243,96 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch nghiêng về tiêu cực với áp lực bán gia tăng hơn khi có 485 mã giảm giá (4 mã giảm sàn), 193 mã tăng giá (12 mã tăng trần) và 119 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 30.235,63 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, trên mức trung bình. Thị trường phân hóa mạnh, dòng tiền ngắn hạn vẫn luân chuyển nhưng áp lực bán cũng gia tăng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi ngày bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị bán ròng gia tăng mạnh hơn trong hôm nay với 1.231 tỷ đồng, tập trung bán ròng mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép; bán ròng trên HNX với giá trị 2,58 tỷ đồng.
Với áp lực bán ròng của khối ngoại nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường khi hầu hết chịu áp lực giảm điểm, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình với CTG (-2,71%), MBB (-2,42%), VIB (-2,28%), HDB (-2,09%), OCB (-2,03%)...
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán ngoài BVS (+9,88%) rất tích cực thì đa số đều chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản đa số ở mức trung bình như TVB (-3,60%), CSI (-3,14%), VCI (-2,80%), MBS (-2,30%), AGR (-2,24%)....
Các cổ phiếu bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong phiên hôm nay, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình như DIG (-5,36%), SGR (-5,15%), QCG (-4,23%), DXG (-3,85%)... ngoài các cổ phiếu có diễn biến khá tích cực như VRC (+2,33%), SCR (+2,04%), HD6 (+1,08%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su ngoài LHG (+2,76%) thì đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh sau khi có diễn biến tăng giá khá tích cực cuối phiên trước với KBC (-3,24%), DPR (-2,96%), GVR (-2,84%), SIP (-2,43%)...
Các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng, thép cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản gia tăng như FCN (-4,19%), TV2 (-2,02%), CTD (-1,67%)... POM (-6,97%), VGS (-3,26%), NKG (-2,49%)... ngoài các cổ phiếu vẫn có diễn biến khác tích cực với C4G (+1,75%), NTP (+1,64%), HHV (+0,96%)...
Trong khi đó các cổ phiếu phân bón lại có diễn biến rất tích cực trong phiên hôm nay, tăng mạnh trong phiên sáng với thanh khoản rất đột biến, kết phiên duy trì tăng giá tích cực như LAS (+9,18%), BFC (+6,15%), DDV (+2,47%), DCM (+2,16%), DPM (+1,96%)...
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hình thành nến Marubozu giảm có bóng phía trên gần như phủ định phiên tăng điểm trước đó. Lực bán mạnh tập trung trong 30 phút cuối phiên, trong khi lực cầu không sẵn sàng nhập cuộc khiến thị trường đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên.
Điểm tích cực là thanh khoản phiên bán ở mức trung bình 20 phiên, cùng với việc chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa trên đường trung bình MA20. Do đó, thị trường vẫn chưa xác nhận xu thế giảm điểm.
Trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng cộng với tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đang nóng trở lại thời gian gần đây nhiều khả năng thị trường sẽ đi ngang tích lũy quanh vùng 1.260-1.290 điểm.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mở mua mới, thận trọng quan sát lực bán trong các phiên sắp tới, kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.
VN-Index có khả năng kiểm nghiệm lại vùng 1.270 điểm Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Rủi ro đã đến với VN-Index khi hình thành cây nến bán với KLGD lớn. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại là chỉ số vẫn giữ được vùng hỗ trợ 1.270 điểm. Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục suy yếu cho thấy đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại.
Trong phiên tiếp theo, VN-Index có khả năng sẽ kiểm nghiệm lại vùng 1.270 điểm. Tại đây, nếu lực cầu được cải thiện, chỉ số sẽ đi ngang, tạo nền quanh vùng 1.270 - 1.280 điểm. Ngược lại, VN-Index có thể thoái lui về vùng gap 1.260 điểm đã được tạo lập vào ngày 21/3/2024.
Giảm tỷ trọng đối với những mã cho dấu hiệu suy yếu Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang duy trì tích lũy trên đường MA20, tuy nhiên các chỉ báo CMF, RSI, và MACD vẫn cho dấu hiệu hướng xuống cho thấy thị trường vẫn đang thiếu động lực.
Tín hiệu không quá xấu là chỉ số chung vẫn đang sideway quanh khu vực 1270-1290 và kịch bản được kỳ vọng là VN-Index sẽ tiếp tục xây nền tích lũy quanh mốc nêu trên để lấy lại động lực cho xu hướng tiếp theo. Tuy nhiên cũng cần tính đến trường hợp áp lực bán quá lớn và thị trường chịu rung lắc mạnh và không giữ được mức nền này.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung tiệm cận đường dưới dải Bollinger band và cho tín hiệu đi vào trong mây Ichimoku. Chỉ báo dòng tiền CMF hướng xuống mốc 0 cho thấy dòng tiền đang suy yếu và tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn đang lưỡng lự và thận trọng khi thị trường một lần nữa quay lại khu vực 1290.
Thị trường trong thời điểm hiện tại vẫn chưa cho dấu hiệu rõ ràng về xu hướng tiếp theo và động lực còn yếu để có thể tiến đến khu vực 1.300. Với diến biến này, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng và cân nhắc giảm tỷ trọng danh mục đối với những mã cho dấu hiệu suy yếu và duy trì những mã vẫn thu hút dòng tiền ổn định thuộc nhóm ngành như thủy sản, phân đạm.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định
Bảo Châu