Công cụ 'giữ chân' người tài bằng cổ phiếu ESOP: Ai hưởng lợi nhất?

Phát hành cổ phiếu ESOP được xem là phần thưởng giúp người lao động gắn bó hơn với công ty, tuy nhiên trong thời gian qua, đối tượng được mua số lượng lớn cổ phiếu phát hành từ chương trình ESOP tại nhiều doanh nghiệp lại chủ yếu là các lãnh đạo…

Công cụ 'giữ chân' người tài bằng cổ phiếu ESOP: Ai hưởng lợi nhất?

Phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) là một trong những hình thức khen thưởng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm giữ chân nhân tài chủ chốt, ghi nhận đóng góp người lao động cũng như tạo sự gắn kết giữa nhân sự với công ty bằng hình thức thưởng hoặc bán cổ phiếu với giá ưu đãi.

Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) như một phần thưởng ghi nhận thành quả và giữ chân nhân viên sau một năm lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, các chương trình ESOP của một số doanh nghiệp thường tập trung vào nhóm cán bộ cấp cao.

MẠNH TAY PHÁT HÀNH CỔ PHIẾU ESOP

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2023 - 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) dự kiến sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu HSG theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đối tượng phát hành là cán bộ lãnh đạo, quản trị, điều hành và cán bộ quản lý, nhân sự chủ chốt khác thuộc tập đoàn. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian thực hiện dự kiến kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương cho đến kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tiếp theo gần nhất.

Một “ông lớn” ngành bán lẻ cũng thường xuyên phát hành cổ phiếu ESOP cho ban lãnh đạo là Công ty Cổ phần Thế giới Di Động (mã chứng khoán: MWG). Trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, công ty dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP.

Cụ thể, trong trường hợp công ty hoàn thành từ 110% kế hoạch lợi nhuận trở lên, cứ 1% lợi nhuận sau thuế vượt mức này thì tỷ lệ phát hành ESOP được cộng thêm 0,05%. Tuy nhiên, tỷ lệ ESOP tối đa không quá 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tức không quá 29,25 triệu cổ phiếu.

Giá phát hành là 10.000 đồng mỗi cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2025. Đối tượng được mua cổ phiếu là các cán bộ quản lý chủ chốt hoàn thành xuất sắc chỉ số đo lường hiệu quả và có đóng góp quan trọng giúp công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm từ ngày phát hành, trong đó sau năm thứ nhất có 50% cổ phiếu được tự do chuyển nhượng.

Mới đây, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024 cho cán bộ quản lý của công ty. Số lượng dự kiến phát hành hơn 5,5 triệu cổ phiếu, giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm, được giải tỏa dần theo tỷ lệ 50% số cổ phiếu sẽ được tự do chuyển nhượng sau 1 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành, 50% còn lại sau 2 năm kể từ ngày phát hành. Nguồn vốn thu được hơn 55 tỷ đồng sẽ được cân đối bổ sung vốn vào hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.

Cuối năm vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đã thực hiện phát hành 9 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng, tỷ lệ phát hành là 1,48% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích phát hành cổ phiếu nhằm khuyến khích, động viên và tạo sự gắn bó giữa cán bộ công nhân viên với công ty.

Nguồn vốn thực hiện phát hành được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2022.

Theo đó, Tập đoàn Đất Xanh cũng công bố loạt thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu ESOP của 7 lãnh đạo tập đoàn. Theo công bố, 7 lãnh đạo và người nội bộ của Tập đoàn Đất Xanh đã đăng ký mua vào hơn 2,4 triệu cổ phiếu DXG, chiếm khoảng 27% tổng số lượng 9 triệu cổ phiếu cho toàn bộ nhân viên công ty.

Thực tế, tính tới ngày 31/12/2023, số lượng nhân sự của Tập đoàn Đất Xanh là 2.468 người. Với hơn 6,5 triệu cổ phiếu còn lại, trung bình mỗi nhân sự của công ty chỉ nhận được 266 cổ phiếu ESOP.

PHẦN THƯỞNG KHÔNG CHIA ĐỀU

Với ý nghĩa gắn trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp bằng hình thức thưởng cổ phiếu, hoặc bán cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với giá ưu đãi, chính sách ESOP được xem là động lực để khuyến khích người lao động cố gắng phấn đấu và gắn bó với công ty hơn.

Với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu phát hành theo hình thức ESOP thường thấp hơn đáng kể so với thị giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, chính sách này cũng giúp người lao động tránh phải nộp thuế, bởi nếu thưởng bằng tiền mặt, người được thưởng sẽ phải nộp khoản thuế thu nhập cá nhân từ 5 - 35% tùy theo giá trị khoản thưởng. Trong khi đó, nếu thưởng bằng hình thức phát hành cổ phiếu ESOP, người nhận thưởng chỉ phải nộp thuế 0,1% khi bán cổ phiếu.

Tuy nhiên trong thời gian qua, đối tượng được mua số lượng lớn cổ phiếu phát hành từ chương trình ESOP tại nhiều doanh nghiệp lại chủ yếu là các lãnh đạo.

Điển hình như Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán: DIG) năm 2021 đã thông qua kế hoạch phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,28% vốn điều lệ. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Đáng chú ý, trong tổng số 15 triệu cổ phiếu ESOP phát hành, ban lãnh đạo DIC Corp và người nhà đã mua đến 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với 96% tổng số lượng cổ phiếu phát hành. Trong đó, riêng hai người con của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thiện Tuấn là ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã lần lượt mua vào 2,5 triệu và hơn 11 triệu cổ phiếu.

Công cụ 'giữ chân' người tài bằng cổ phiếu ESOP: Ai hưởng lợi nhất? 2

Thực tế cho thấy, khi đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP, hầu hết các doanh nghiệp đều không công khai danh sách những người sẽ được mua số cổ phiếu ưu đãi này. Thay vào đó, Đại hội đồng cổ đông ủy quyền toàn bộ cho Hội đồng quản trị quyết định danh sách hay thời điểm phát hành.

Do đó, thông qua ESOP, ban lãnh đạo có thể hợp pháp hóa việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần bằng việc đưa tên mình hay những nhân viên là người thân cận vào danh sách những người lao động được lựa chọn. Khi đó, cổ phiếu ESOP có thể trở thành nguyên nhân gây nên sự xung đột lợi ích và mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo cấp cao và nhân sự công ty.

Vậy nên, nếu ESOP không được xây dựng để hướng đến mục tiêu tạo động lực cho cán bộ công nhân viên, qua đó khuyến khích họ gắn kết, tạo ra sự phát triển bền vững cho công ty; mà việc ESOP lại mang đến quyền lợi cho một bộ phận nhỏ những người trong công ty như ban lãnh đạo, quản lý… thì mục đích của ESOP không đạt được. Do đó, khi những quyền lợi của các bên đã bị ảnh hưởng, tranh chấp xảy ra là điều tất yếu.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.