Với mức sản lượng dự kiến, ngành lúa gạo Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn gạo năm 2024.
Năm 2023 có thể nói là một năm thắng lớn của ngành lúa gạo khi xuất khẩu gạo tăng 14,4% về sản lượng và hơn 35% về giá trị so với năm 2022.
Tiếp nối tình hình thuận lợi năm 2023, quý I/2024, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng mạnh tới gần 18% về sản lượn và gần 46% về tổng giá trị. Tin mừng là giá thóc thu mua cũng tăng ở mức tương xứng, qua đó đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Các loại gạo giá trị cao như gạo thơm, gạo trắng cao cấp, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng có tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu gạo cũng được mở rộng, đặc biệt là sang những thị trường được xem là khó tính như châu Âu.
Thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo 2023 và quý I/2024, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, trong điều kiện bình thường, mức sản lượng dự kiến của năm 2024 giúp ngành lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực trong nước và dư ra khoảng 7,6 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, không ít khó khăn đặt ra cho ngành lúa gạo năm 2024, đặc biệt trong đó phải kể đến hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng những xung đột địa chính trị trên thế giới kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng và gia tăng nguy cơ lạm phát cũng như chi phí logistics.
Trong bối cảnh đó, chiến lược đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, các thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Gạo Việt Nam cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Myanmar, Pakistan.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, đề xuất, cần quan sát, đánh giá các thị trường lớn và quan trọng của lúa gạo Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.
Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội đến từ khu vực châu Á, châu Phi, những nơi có tiềm năng cao hơn trong việc phục hồi tiêu dùng.
Ông Sơn cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Bà Thắng khuyến nghị, các đơn vị kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo cần củng cố cơ chế hợp tác với vùng trồng và người nông dân, tránh hiện tượng ép giá, tranh mua, tranh bán. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động lên kế hoạch sản xuất, dự trữ để đảm bảo cung ứng lúa gạo, chú trọng mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu.
Tham vọng bán tín chỉ carbon của 'ông lớn' ngành gạo
Hoàng Đông