Ám ảnh về “đại dịch rụng tóc”, người tiêu dùng Trung Quốc chi bộn tiền cho các sản phẩm cao cấp

Theo Hiệp hội Giáo dục và Xúc tiến Y tế Trung Quốc, hơn 250 triệu người dân Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng rụng tóc nghiêm trọng. Con số này một lần nữa nhấn mạnh tiềm năng to lớn của thị trường chăm sóc tóc tại quốc gia tỷ dân…
 

Chăm sóc tóc được đánh giá là một lĩnh vực đang bùng nổ tại Trung Quốc. Theo Euromonitor, từ năm 2019 đến năm 2023, thị trường chăm sóc tóc ở Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,7%. Trong đó, các thương hiệu nước ngoài chiếm phần lớn doanh thu có giá trị cao.

Trung Quốc hiện là thị trường chăm sóc tóc lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ và đứng trên Nhật Bản. Đến năm 2025, tổng quy mô thị trường chăm sóc tóc tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ chạm mức 70 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,7 tỷ USD).

“ĐẠI DỊCH RỤNG TÓC” Ở GIỚI TRẺ

Người tiêu dùng trong độ tuổi 20 - 40 được xem như là động lực chính thúc đẩy thị trường chăm sóc tóc cao cấp tại Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Giáo dục và Xúc tiến Y tế Trung Quốc, cứ mỗi sáu người Trung Quốc thì có gần một người bị rụng tóc, tương đương 250 triệu trên tổng dân số 1,4 tỷ người. Cụ thể trong đó, 160 triệu người là đàn ông - tức là khoảng 23% nam giới Trung Quốc. Phần lớn trong số họ được cho là bắt đầu đối mặt với tình trạng rụng tóc ở tuổi 30, sớm hơn hai thập kỷ so với các thế hệ trước.

Liu Haier, giám đốc truyền thông tại công ty tiếp thị The Chinese Pulse tin rằng hiện tượng này chủ yếu là do văn hóa làm việc “996” mệt mỏi của Trung Quốc, đòi hỏi nhân viên phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.

Đáng chú ý, tình trạng rụng tóc, hói đầu cũng trở nên phổ biến hơn ở sinh viên đại học. Theo một nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa vào cuối năm 2017, 60% sinh viên cho biết tóc họ đã mỏng bớt và 40% cho biết nhận thấy đường chân tóc thưa dần. Cuộc khảo sát với 4.000 sinh viên đã xác định rằng căng thẳng, mất ngủ và lối sống thất thường là những nguyên nhân chính dẫn đến hói đầu.

5544c3f8ec2ad3246c4172ab55b43a3393330aca-1179x1958-4533-8579-5425.jpeg

Một lý do khác cũng được nhắc đến là tình trạng tóc bị hư tổn nhanh hơn do sự thay đổi liên tục về kiểu tóc và thuốc nhuộm thời trang.

Chính vì điều này mà ngày càng có nhiều KOL về phong cách sống ở Trung Quốc đã chuyển từ việc chia sẻ thói quen chăm sóc da và trang điểm sang các quy trình chăm sóc tóc, da đầu chuyên sâu.

“Một số hướng đi mới mà chúng tôi đang nhận thấy ở thị trường Trung Quốc là sự quan tâm đối với sức khỏe da đầu. Có hơn nửa triệu nội dung sáng tạo liên quan đến chủ đề này trên Xiaohongshu”, Dao Nguyen, nhà sáng lập Essenzia ByDao, một công ty chuyên về các thương hiệu nước hoa và làm đẹp, cho biết.

Ngày nay, việc chăm sóc tóc không chỉ dừng lại ở hai bước gội xả thông thường mà còn mở rộng sang các hình thức khác như tẩy tế bào chết da đầu, đắp mặt nạ tóc, thoa tinh chất dưỡng tóc … giống như một chu trình dưỡng da cầu kỳ và tỉ mỉ.

Dữ liệu từ cơ quan y tế Trung Quốc từ năm 2019 cho thấy cư dân thành thị Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn cho việc chăm sóc tóc mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng là 30%. Trong thập kỷ tới, ngành dinh dưỡng, phục hồi và cấy ghép tóc dự kiến sẽ tăng trưởng tới 260%.

PHÂN KHÚC CAO CẤP LÊN NGÔI

Những “gã khổng lồ” hàng tiêu dùng nhanh (FMGC) như P&G và Unilever vẫn đang dẫn đầu với 34% thị phần tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ nhận thức ngày càng tăng về sức khỏe da đầu, người tiêu dùng ở Trung Quốc giờ đây hào phóng hơn khi đầu tư các sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp hơn.

Theo phát hiện của nền tảng thương mại điện tử JD.com, doanh số bán trực tuyến các sản phẩm dầu gội cao cấp có giá trên 17 USD trong quý 1/2024 đã tăng hơn 114% so với cùng kỳ năm 2023.

“Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự phân chia nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc. Bạn đang thấy được sự phát triển theo cả hai hướng: một là những người tiêu dùng cẩn trọng hơn với túi tiền của họ và hai là sự hiện diện của “hiệu ứng son môi” - thuật ngữ chỉ tình trạng người tiêu dùng vẫn vung tiền vào các sản phẩm cao cấp ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế”, chia sẻ của ông Adam Knight, đồng sáng lập của hai agency chuyên về thương mại xã hội Yaso và Tong.

Nhóm khách hàng lớn nhất của phân khúc cao cấp chủ yếu là những người phụ nữ hiện đại từ 25 đến 39 tuổi sống ở các thành phố Loại 1 và Loại 2, giám đốc truyền thông của The Chinese Pulse Liu Haier chỉ ra.

“Chăm sóc tóc cao cấp là một thị trường rất sôi động và tôi kỳ vọng nó sẽ phát triển mạnh mẽ như nước hoa và các dòng sản phẩm sữa tắm cao cấp”, nhà sáng lập Essenzia ByDao Dao Nguyen nhận xét.

11b4262e9ea69a76f267582115b8e89a439dec97-1280x1366-4988.jpeg

Mặc dù các cửa hàng ngoại tuyến cho phép các thương hiệu cung cấp trải nghiệm trực quan và phong phú, chẳng hạn như spa chăm sóc tóc của Sisley tại trung tâm thương mại Zhang Garden, thì thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng được ưa chuộng nhất.

Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Tmall Global và JD Worldwide cung cấp một lối tắt để các thương hiệu trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng mới ở Trung Quốc. Năm 2020, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Olaplex đã được ra mắt Trung Quốc và trở thành thương hiệu chăm sóc tóc số một trên Tmall Global. Một thương hiệu khác đang có bước tiến lớn là Kérastase, chiếm 16% doanh số bán sản phẩm chăm sóc da đầu của Tmall.

Oribe (thuộc sở hữu của Tập đoàn Kao Nhật Bản) - thương hiệu chăm sóc tóc nổi tiếng với sản phẩm dầu gội 250ml có giá 80 USD, đã mở cửa hàng chính hãng trên Tmall Global vào năm 2021 và có gần 11.000 người theo dõi cho đến nay. Thương hiệu Mỹ Ouai cũng sở hữu gần 68.000 người theo dõi trên Tmall và 9.000 người theo dõi trên Xiaohongshu.

Lễ hội mua sắm 618 năm 2022, một trong những sự kiện mua sắm trực tuyến lớn hàng năm của Trung Quốc, là thời điểm mà nhu cầu về sản phẩm chăm sóc tóc bắt đầu cho thấy các dấu hiệu tăng vọt đáng chú ý, chứng kiến mức tăng trưởng 33,1%. Doanh số bán dầu gội dành cho tóc mỏng ở Trung Quốc cũng đạt khoảng 1,54 tỷ nhân dân tệ trong năm đó. Một cuộc khảo sát của Ipsos cho thấy, 69% trong số 3.000 người Trung Quốc tham gia trả lời, đều đã mua dầu gội chống rụng tóc.

Một hình thức mua sắm khác đang rất nổi bật ở Trung Quốc là livestreaming, trong đó, xu hướng bán hàng livestream với nhịp độ chậm rãi, từ tốn đang chiếm lĩnh phân khúc chăm sóc da và tóc cao cấp.

“Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự thành công của hình thức livestream bán hàng ở Trung Quốc, ví dụ phải kể đến như livestreamer Zhang Xiaohui đã có công giúp thương hiệu chăm sóc tóc My.Organics non trẻ được người tiêu dùng đại lục biết đến nhiều hơn”, Liu Haier, giám đốc truyền thông tại công ty tiếp thị The Chinese Pulse đánh giá.

Phát triển thị trường vốn xanh

Phát triển thị trường vốn xanh

Phát triển thị trường vốn xanh hiện là một trong những giải pháp quan trọng của ngành tài chính, nhằm huy động nguồn vốn xã hội phục vụ việc triển khai các chính sách hướng đến “tăng trưởng xanh” (tăng trưởng bền vững) và chống biến đổi khí hậu (BĐKH), thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26) năm 2021.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.