Nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam giảm trở lại trong tháng 11, kéo theo sản lượng giảm ở mức đáng kể hơn.
S&P Global trong báo cáo mới nhất về ngành sản xuất Việt Nam cho biết, các nhà sản xuất có số lượng đơn đặt hàng mới giảm trở lại trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài ba tháng.
Đáng chú ý, tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 5.
Theo báo cáo, nhu cầu khách hàng giảm được cho là nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới.
Tình trạng nhu cầu yếu kém cũng được ghi nhận với khách hàng quốc tế, khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm lần đầu tiên trong bốn tháng.
Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết khách hàng không muốn trả giá cao hơn cho sản phẩm.
Trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới giảm và các điều kiện kinh tế khó khăn, các công ty tiếp tục giảm sản lượng, ghi nhận chuỗi sụt giảm ba tháng liên tiếp.
Hơn nữa, tốc độ giảm đã nhanh hơn nhiều và là tốc độ giảm đáng kể nhất kể từ tháng 5.
PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global
Áp lực chi phí tiếp tục tăng vào giữa quý cuối của năm, khi tốc độ lạm phát đạt mức cao của chín tháng. Tình trạng đồng tiền yếu được cho là nguyên nhân dẫn đến giá các mặt hàng nhập khẩu tăng, trong khi nhiên liệu, dầu và đường nằm trong số những mặt hàng đầu vào cụ thể có mức giá tăng trong tháng.
Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng tháng thứ tư liên tiếp.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm một phần thể hiện phản ứng của khách hàng với tình trạng giá cả tăng.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào của các công ty tăng với mức độ mạnh nhất kể từ tháng 2, các nhà sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả trong những tháng tới.
“Do đó, ngành sản xuất sẽ bước vào năm 2024 với tình trạng khá ảm đạm, hy vọng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại”, ông nhận định.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm thành mức thấp của năm tháng là 47,3 điểm trong tháng 11 so với 49,6 điểm của tháng trước đó.
Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã giảm mạnh so với tháng trước, từ đó kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành ba tháng.
Mặc dù các công ty dự kiến sản lượng sẽ tăng trong năm tới với hy vọng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, niềm tin kinh doanh đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và đạt mức thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số.
Các công ty bày tỏ lo ngại về mức độ dễ bị tổn thương của các điều kiện kinh tế và tình trạng nhu cầu yếu trên thị trường quốc tế.
Phương Anh