Chứng khoán phái sinh vẫn không hút "khách ngoại"

Đà giảm của tỷ trọng giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư nước ngoài đã được duy trì từ ngay tháng đầu tiên năm 2023...

chứng khoán phái sinh

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 2/2023, chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 1,014.96 điểm, giảm 110,11 điểm (9,78%) so với cuối tháng trước.

Trong xu hướng sụt giảm của thị trường chứng khoán cơ sở, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh lại thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với khối lượng giao dịch bình quân tăng 17,01% so với tháng trước, đạt 307.400 hợp đồng/phiên. Giá trị giao dịch (theo danh nghĩa hợp đồng) bình quân đạt 32.509 tỷ đồng/phiên, tăng 15,21% so với tháng trước.

Điểm đáng chú ý, đó là tỷ trọng giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm so với tháng trước, chiếm 1,7% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Xu hướng này của khối ngoại cũng được ghi nhận trong tháng 1/2023 khi giao dịch chỉ chiếm 1,76% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, tương đương giảm 0,03 điểm phần trăm so với tháng trước.

Như vậy, sau hơn 5 năm hoạt động, thị trường này cũng chẳng thu hút thêm nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng giao dịch khối ngoại cũng chỉ lình xình quanh vùng 1,7-1,9% liên tục những năm gần đây.

Tỷ trọng giao dịch phái sinh của nhà đầu tư nước ngoài có lẽ còn duy trì như hiện tại. Bởi lẽ, những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang tiếp tục được giải quyết và lãi suất cũng chưa thực sự giảm rõ rệt. Bối cảnh đó cùng với những nút thắt về thanh khoản sẽ khiến thị trường chứng khoán năm 2023 khó có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Chứng khoán VNDirect, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. "Đà tăng trong nửa đầu năm sẽ khá mong manh và chỉ có thể đạt 1.300 - 1.350 điểm trong nửa cuối 2023", nhóm nghiên cứu tại VNDirect dự báo.

Cùng đó, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, với 3 sản phẩm mà thị trường Việt Nam mới được triển khai, chỉ có hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 là thu hút hơn cả đối với các nhà đầu tư, còn các sản phẩm khác dường như không thu hút được sự quan tâm.

"Sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh còn khá ít, điều này khiến sự lựa chọn của nhà đầu tư có phần hạn chế. Do đó, nhà quản lý cần sớm triển khai hệ thống nền tảng giao dịch mới KRX và hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm… để có thể sớm triển khai hoàn thiện hơn các sản phẩm chứng khoán phái sinh, hợp đồng quyền chọn và các hoạt động nghiệp vụ bán khống trong tương lai. Lúc đó, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cũng sẽ có vị thế đúng ở trên bản đồ khu vực và sau đó hướng đến thị trường mới nổi và phát triển trên thế giới", ông Khánh nói.

Hoặc nếu nhìn ở góc độ kỹ thuật, biến động giá hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) phụ thuộc vào mức vênh basis ở vùng biên rất rộng. Quá trình này tạo ra những khoảng trống giá, khiến cho nhà đầu tư không kịp tham gia vào đầu mỗi phiên tại điểm canh hành động. Hệ quả là các lệnh đặt giao dịch trong phiên đều buộc phải chấp nhận mức rủi ro cao hơn nhiều. Đây chính là rào cản khiến cho dòng tiền lướt sóng chưa thật sự muốn tham gia.

Nhìn chung, rủi ro về giao dịch ngắn hạn đang chia đều cho cả hai bên mua và bán. Thông thường, với tình huống chưa thể xác định xu hướng như hiện tại, việc đứng ngoài quan sát thị trường được nhà đầu tư nước ngoài xem như một chiến lược hợp lý. Và do đó, như đã nói, tỷ trọng giao dịch khối ngoại cũng khó có thể tăng nhanh trong thời gian ngắn.

chứng khoán phái sinhNguồn: Vietstock

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.