S&P 500 và Nasdaq đóng cửa cao hơn trong phiên 14/8 khi cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia dẫn đầu mức tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn…
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,07% lên 35.307,63 điểm, S&P 500 thêm 0,58% lên 4.489,72 điểm và Nasdaq tăng 1,05% lên 13.788,33 điểm.
Trong phiên, cổ phiếu nhà sản xuất chip Nvidia đã tăng 7,1%, đánh dấu mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 25/5. Nvidia, một trong số các công ty công nghệ hoạt động vượt trội trên thị trường chứng khoán trong năm nay nhờ sự lạc quan về AI, sẽ báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý vào tuần tới.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley đánh giá: “Nvidia vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi, với bối cảnh cần được theo dõi là sự thay đổi lớn trong chi tiêu dành cho AI và sự mất cân đối cung-cầu khá đặc biệt sẽ kéo dài trong vài quý tới”.
Sự phục hồi của cổ phiếu Nvidia đã đẩy chỉ số công nghệ thông tin lên cao hơn 1,85%, trở thành chỉ số mạnh nhất trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500.
Các cổ phiếu tăng trưởng siêu vốn hóa khác đều tăng, bao gồm Alphabet tăng 1,4% và Amazon.com tăng 1,6%. Micron Technology cũng kết thúc phiên ở vùng tích cực, thêm 6,1%.
“Đây là ngày đầu tiên sau một khoảng thời gian ngành công nghệ thực sự vượt trội hơn hẳn. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn sắp có báo cáo bom tấn của Nvidia và điều đó có thể hỗ trợ đáng kể cho thị trường chip”, ông Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của công ty Infrastructure Capital Management nhận xét.
Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Tesla giảm 1,2% sau khi nhà sản xuất ô tô điện thông báo giảm giá tại Trung Quốc đối với một số phiên bản Model Y.
Cổ phiếu phổ thông của AMC Entertainment cũng trượt gần 36%. Vào cuối tuần trước, một thẩm phán Delaware đã phê chuẩn thỏa thuận sửa đổi cho các cổ đông của chuỗi rạp chiếu phim.
Cổ phiếu của Hawaiian Electric Industries mất gần 34%, do có cuộc điều tra về việc liệu thiết bị của công ty có đóng vai trò gì trong các vụ cháy rừng thiêu rụi thị trấn Lahaina ven biển Maui hay không.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ khá thấp trong phiên 14/8, với 9,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch so với mức trung bình 10,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Trọng tâm của thị trường trong tuần này sẽ là thu nhập hàng quý từ các nhà bán lẻ lớn của Mỹ bao gồm Walmart và Target.
Trong khi đó, dữ liệu về doanh số bán lẻ cho tháng 7 sẽ định hình những kỳ vọng về xu hướng lãi suất của Cục Dự trữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo công cụ Fedwatch của CME Group, 89% đặt cược cho khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng tới.
Báo cáo mới nhất của Goldman Sachs đã kêu gọi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất quỹ trong quý 2 năm 2024.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu kết thúc phiên 14/8 giảm do lo ngại về sự chững lại trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc và đồng USD mạnh hơn.
Dầu thô WTI của Mỹ giảm 68 cent, tương đương 0,82%, ở mức 82,51 USD/thùng. Dầu thô Brent đóng cửa ở mức 86,21 USD/thùng, giảm 60 cent, tương đương 0,69%.
Walter Zimmerman, trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật của ICAP-TA cho biết với hy vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại mức nhu cầu trước đại dịch đang mờ dần, thị trường dầu mỏ có rất ít hy vọng về sự tăng trưởng trong trung hạn.
“Những người tham gia thị trường đang bị giằng xé, cân nhắc giữa sự cân bằng cung-cầu trước các dấu hiệu nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc”, ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group lưu ý.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là đồng USD, với chỉ số US dollar Index mở rộng mức tăng sau khi giá sản xuất của Mỹ tăng nhẹ hơn một chút trong tháng 7. Diễn biến này cũng đã nâng lãi suất trái phiếu kho bạc, bất chấp kỳ vọng rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên nhu cầu bởi nó làm cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.