Liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ không cắt giảm thêm sản lượng trong phiên họp ngày 4/6 mặc dù giá dầu đã giảm đáng kể, do cắt giảm sản lượng có thể giúp giá dầu tăng lên trong ngắn hạn nhưng tình hình lạm phát sẽ phức tạp hơn, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong dài hạn.
Phiên họp định kỳ tháng 6/2023 của các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ hiện đang diễn ra tại Vienna, Áo. (Ảnh: OPEC)
Hãng tin Reuters cho biết hai nguồn tin trong liên minh OPEC+ cho biết liên minh này dự kiến sẽ thảo luận phương án cắt giảm sản lượng khai thác dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong phiên họp diễn ra ngày 4/6 (theo giờ địa phương).
Tuy nhiên, hai nguồn tin này cũng nhấn mạnh việc cắt giảm chỉ là một trong số các lựa chọn được đưa ra. Thông tin trên trái ngược với nhận định của đa số giới phân tích cho rằng OPEC+ sẽ không thay đổi chính sách khai thác hiện nay bất chấp sự sụt giảm gần đây của giá dầu do những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế vĩ mô thế giới.
Liên minh OPEC+, gồm 13 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô ngoài khối OPEC do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Hãng phân tích thị trường năng lượng Energy Aspects (Anh) dự báo OPEC+ sẽ không cắt giảm thêm sản lượng khai thác nhất là khi liên minh này đã bất ngờ tuyên bố cắt giảm mạnh sản lượng khai thác trong phiên họp tháng 4 vừa qua. Hiện nay, tổng lượng khai thác thác dầu thô được OPEC+ cắt giảm dao động từ 3,66 – 3,86 triệu thùng/ngày, tương đương 3,8% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Đồng quan điểm như trên, Chiến lược gia thị trường Giovanni Staunovo thuộc Ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) cho rằng liên minh OPEC+ sẽ cần có thêm thời gian để thấy rõ tác động lên cán cân cung - cầu thị trường dầu thô sau quyết định cắt giảm sản lượng tháng 4 vừa qua. Trong tuần này, giá dầu thô Brent được giao dịch quanh ngưỡng 76 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 87 USD/thùng được xác lập trong tháng 4.
Diễn biến giá dầu thô Brent trong 1 năm trở lại đây. (Nguồn: Oil Price)
Ở một góc nhìn khác, ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy (Na Uy), cho biết: “Việc giá dầu thô tăng thêm sẽ gây tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ chi phối quyết định của các quốc gia liên minh OPEC+. Giá dầu tăng sẽ khiến lạm phát tại phương Tây trầm trọng hơn, buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất. Đây là điều gây bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu cũng như triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới”.
Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) và ngân hàng Emirates NBD (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, UAE) cho rằng liên minh OPEC+ có thể đưa ra một thông điệp “cứng rắn” đối với vấn đề nguồn cung dầu nhưng liên minh này sẽ không tiếp tục giảm sản lượng do nguồn cung trên thị trường dầu mỏ sẽ bị thắt chặt hơn trong nửa cuối năm nay.
Theo dự báo gần nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ bắt đầu thiếu hụt nguồn cung ngay từ quý 2 này và mức thiếu hụt sẽ gia tăng dần, lên đến 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, tương đương gần 2% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm khoảng 15% do tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng, làm suy giảm triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Trong đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi không đồng bộ và có dấu hiệu giảm tốc.
Rystad Energy nhận định việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo là thách thức lớn đối với thị trường dầu mỏ. Giới phân tích nhận định tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ đóng góp đến 60% tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay.