Giá dầu đã tăng hơn 1% trong đầu phiên giao dịch châu Á ngày 26/6 do lo ngại tình hình hỗn loạn tại Nga có thể dẫn đến các vấn đề về nguồn cung...
Sáng 26/6, giá dầu thô Brent tăng 95 cent, tương đương 1,3%, lên 74,80 USD/thùng, trong khi đó dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 70,04 USD/thùng, tăng 88 cent, tương đương 1,3% so với phiên trước đó.
Một cuộc đụng độ giữa Moscow và lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã được ngăn chặn vào hôm 24/6 sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận giảm căng thẳng nhờ nỗ lực hòa giải của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Tuy nhiên, diễn biến mới này đã đặt ra câu hỏi về tình hình chính trị tại Nga và những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu trong thời gian tới.
Nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital Markets cho biết có những lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tuyên bố thiết quân luật, từ đó ảnh hưởng đến việc công nhân tới làm việc ở cảng bốc hàng và cơ sở năng lượng lớn, có khả năng gây ra gián đoạn xuất khẩu dầu lên tới hàng triệu thùng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự đoán, thị trường đang xem xét khả năng biến động trong nước ở Nga dẫn đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung hoặc ít nhất là cũng có tác động tiêu cực đáng kể đến nguồn cung dầu trong tương lai.
Tuy nhiên, tác động có thể được hạn chế nhờ vào các nguyên tắc cơ bản giao ngay không thay đổi; hay bất kỳ tác động đối với tâm lý thị trường hoặc nhu cầu dầu giảm do thiếu sự chắc chắn trong nền kinh tế cũng có thể tạo ra sự bù đắp, báo cáo của Goldman Sachs lưu ý thêm.
“Trong khi đó tại Mỹ, Nhà Trắng đã tích cực tiếp cận với các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước về kế hoạch dự phòng để giữ cho thị trường ổn định được nguồn cung nếu tình hình tại Nga ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của nước này”, bà Helima Croft của RBC Capital Markets nói thêm trong một ghi chú vào 25/6.
Vào tuần trước, cả hợp đồng tương lai dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 3,6% do các lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu dầu vào thời điểm mà sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng.
“Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là cơn ác mộng đối với thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ và kim loại công nghiệp”, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định.