Lạm phát tại Hoa Kỳ bất ngờ tăng trở lại, thị trường gia tăng dự báo FED có thể tiếp tục nâng lãi suất

Dữ liệu về lạm phát tại Hoa Kỳ đã bất ngờ tăng trở lại trong tháng 4/2023, cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hoàn toàn “hạ nhiệt” như kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).

Lạm phát tại Hoa Kỳ Cuộc chiến chống lạm phát tại Hoa Kỳ đang trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh nhờ thu nhập cá nhân tăng, thị trường lao động ở mức tốt và các doanh nghiệp sẵn sàng tăng thêm lương cho người lao động. (Ảnh: CNBC)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa cho biết Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4/2023 của Hoa Kỳ đã tăng 0,4% so với tháng 3/2023, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% được giới phân tích đưa ra trước đó. Qua đó, cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ chưa thực sự giảm như kỳ vọng của các chuyên gia.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PCE tháng 4/2023 đã tăng 4,4%, cao hơn mức tăng 4,2% ghi nhận hồi tháng 3/2023. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, chỉ số PCE tăng lên và phá vỡ xu hướng giảm của chỉ số này trong những tháng gần đây.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết giá dịch vụ, thực phẩm và hàng hoá đều tăng cao. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, giá thực phẩm đã tăng 6,9%, giá dịch vụ tăng 5,5% và giá hàng hoá tăng 2,1%; trong đó, mặt bằng giá thực phẩm hiện đã chạm mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá năng lượng đã giảm 6,3%. Nếu loại bỏ giá lương thực và năng lượng thì chỉ số PCE lõi trong tháng 4/2023 tăng tới 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số PCE bất ngờ tăng lên khiến một bộ phận thị trường lo ngại khả năng FED sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp định kỳ giữa tháng sau để triệt để loại bỏ rủi ro lạm phát cao, kéo dài dai dẳng, cho dù lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ. Chỉ số PCE là một trong những dữ liệu quan trọng được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sử dụng để đánh giá tình trạng lạm phát tại Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, dữ liệu tháng 4/2023 cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ vẫn ở mức mạnh, tăng 0,8%, nhờ thu nhập cá nhân đã tăng thêm 0,4%. Điều này sẽ khiến cuộc chiến chống lạm phát của FED trở nên phức tạp hơn. Thị trường lao động tại Hoa Kỳ vẫn mạnh với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ trở lại đây.

Bên cạnh đó, một số dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đang sẵn sàng trả lương cao hơn cho nhân viên. Các yếu tố này có thể khiến Hoa Kỳ rơi vào vòng xoáy giá cả tăng, tiền lương tăng và lạm phát cao sẽ kéo dài dai dẳng.

Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy thị trường đang dự báo khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 tới đây là 53,9%, tăng mạnh từ mức 37,7% trước khi báo cáo PCE được công bố; còn khả năng FED tạm dừng tăng lãi suất đã giảm từ 62,3% xuống còn 46,15%.

Điều này phản ánh quan điểm thị trường đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm FED kết thúc phiên họp hồi đầu tháng 5 vừa qua, khi cơ quan này tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp với mức tăng thêm 25 điểm cơ bản. Giới đầu tư lúc đó đã nhận định gần như 100% FED đã hoàn thành chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này.

Trước khi dữ liệu chỉ số PCE tháng 4/2023 được đưa ra, một số thành viên của FED cho rằng lãi suất hiện nay đã đủ để “hạ nhiệt” lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2%. Bên cạnh đó, một số thành viên khác, như Chủ tịch FED chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, cho rằng FED sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong tháng 6 này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden: Hoa Kỳ sẽ không vỡ nợ Quỳnh Trang

Tin liên quan

FDI, nhưng phải xanh

FDI, nhưng phải xanh

Gần 40% diện tích Việt Nam có tốc độ gió thuận lợi phát triển điện gió. Nhiều vùng có mức bức xạ thuận lợi cho điện mặt trời. Đã đến lúc chúng ta không cần thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng mọi giá, mà có thể lựa chọn?
Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2025

Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2025

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng...
Tăng trưởng 2 con số

Tăng trưởng 2 con số

Sáng 14/1/2025, tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Vùng đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước. Nếu chúng ta tăng trưởng trung bình 6-7% năm thì không đạt mục tiêu phát triển 100 năm.
Thành công trong thu hút vốn FDI

Thành công trong thu hút vốn FDI

Trong năm 2024, các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước tính đã giải ngân được khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.