Tại thị trường Việt Nam, các quỹ ETF tiếp tục duy trì dòng tiền tích cực trong tháng đầu năm 2023. Đây là xu hướng thường thấy trong nhiều năm trước đây (ngoại trừ năm 2016) và là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận dòng vốn đạt trên 3.000 tỷ đồng...
Dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường mới nổi gồm Việt Nam. Trong đó, vốn qua quỹ ETF vào Việt Nam đạt 4.254 tỷ đồng trong tháng 1.
Dòng tiền nghiêng về quỹ trái phiếu
Phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính có sự cải thiện đáng kể trong tháng 1, với việc vào ròng cho tất các các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ tiền tệ.
Điểm sáng trong tháng đến từ các chính sách mở cửa của Trung Quốc, cũng như thị trường đặt cược xác xuất cao hơn việc kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh mềm, thay vì rơi vào khủng hoảng. Các quỹ cổ phiếu vào ròng 40 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 với dòng tiền tập trung vào khu vực Châu Âu và thị trường mới nổi.
Dòng tiền vào các quỹ trái phiếu và tiền tệ cũng thu hút được lượng lớn dòng vốn, khi lần lượt vào ròng 58,3 tỷ USD và 118,7 tỷ USD. Đáng chú ý, việc dòng tiền tập trung vào quỹ tiền tệ (vào ròng hơn 340 tỷ USD trong 4 tháng qua) cũng là yếu tố tích cực cho các nhóm các tài sản tài chính còn lại.
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) cải thiện (+11,5 tỷ USD) nhờ dòng vốn vào thị trường EU.
Với mức định giá cao và xu hướng yếu đi của USD, dòng tiền vào thị trường Mỹ tiếp tục yếu đi rõ nét trong tháng 1, khi rút ròng hơn 8,3 tỷ USD. Trái ngược, dòng tiền vào EU bắt đầu có sự cải thiện khi vào ròng hơn 3 tỷ USD – vào ròng lần đầu tiên kể từ tháng 1/22 khi nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng đã được đẩy lùi.
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) cũng tích cực trong tháng 1 (+28,6 tỷ USD). Dòng vốn vào EM duy trì tháng vào ròng thứ 6 liên tiếp và là tháng vào ròng lớn nhất trong lịch sử.
Xu hướng giải ngân đến từ cả nhóm quỹ ETF (+19,2 tỷ USD) và chủ động (+9,3 tỷ USD), trong đó nhóm vào khu vực Châu Á (trừ Nhật Bản) vượt trội, khi vào ròng 16,6 tỷ USD nhờ dòng tiền giải ngân vào Trung Quốc (+11,4 tỷ USD).
Chứng khoán SSI dự báo năm 2023, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ vẫn phụ thuộc vào việc 2 yếu tố. Thứ nhất là động thái của Fed và hiện nay thông điệp từ Fed đã mang tính ôn hòa hơn. Thứ hai là tốc độ của việc Trung Quốc mở cửa.
Điểm tích cực về triển vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trong năm 2023 là chu kỳ chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế, và thời điểm này vẫn đang được đánh giá là giai đoạn tốt để giải ngân.
Tuy nhiên, rủi ro lạm phát, xuyên suốt thời gian qua vẫn chưa thực sự được giải quyết sẽ là yếu tố khiến dòng tiền khó có thể bùng nổ như giai đoạn cuối 2021-đầu 2022.
Vốn qua ETF vào Việt Nam đạt 4.254 tỷ đồng
Tại thị trường Việt Nam, các quỹ ETF tiếp tục duy trì dòng tiền tích cực trong tháng đầu năm 2023. Đây là xu hướng thường thấy trong nhiều năm trước đây (ngoại trừ năm 2016) và là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận dòng vốn đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, cả hai nhóm quỹ nội và ngoài đều ghi nhận dòng tiền dương đáng kể, đáng chú ý như quỹ VanEck (+2.005 tỷ đồng), VNDiamond (+680 tỷ), VFM VN30 (+636 tỷ đồng), FTSE Vietnam (+594 tỷ đồng), VNFIN Lead (+314 tỷ đồng).
Ngược lại, chỉ có SSIAM VNX50 là quỹ duy nhất bị rút ròng với giá trị không đáng kể (-10 tỷ đồng). Như vậy, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 4.254 tỷ đồng trong tháng 1.
Mặc dù vậy, dòng vốn có phần giảm so với tháng 11 là 6.952 tỷ đồng và tháng 12 5.802 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do dòng vốn từ quỹ Fubon yếu đi chỉ vào ròng 34 tỷ đồng trong tháng 1.
Đối với các quỹ chủ động, quán tính dòng tiền vào ròng trong tháng 1 vẫn tiếp tục được duy trì. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng, thấp hơn so với mức giải ngân lịch sử vào tháng 12 nhưng nhìn chung vẫn tương đối tích cực. Dòng tiền vào ròng lan tỏa đồng đều hơn, với sự tham gia của các quỹ từ khu vực Châu Âu và Mỹ.
Khối ngoại mua ròng hơn 4,2 nghìn tỷ đồng (và 7,6 nghìn tỷ đồng – nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB). Như đã đề cập trong các báo cáo trước, bên cạnh dòng tiền vẫn tích cực từ các quỹ ETF trong tháng 1, việc giải ngân dòng tiền từ các quỹ chủ động vào thị trường chứng khoán thường có độ trễ và do vậy việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tháng 1 là yếu tố không có quá nhiều bất ngờ.
Xét về nhóm ngành, ngành mang tính chu kỳ như tài chính - ngân hàng và thép đang thu hút nhiều sự quan tâm nhất, có thể đến từ mức định giá hấp dẫn và yếu tố đáp ứng được điều kiện về mặt thanh khoản từ nhóm cổ phiếu này.
Như vậy, xu hướng dòng vốn trong tháng 1 vào thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục quán tính tích cực. Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, chứng khoán SSI duy trì quan điểm về trung lập đối với dòng vốn sau một thời gian giải ngân liên tục.
Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và cũng không thể loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần.