Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án PPP Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Ảnh minh họa
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có báo có gửi Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đề xuất, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư là Chủ tịch; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Xây dựng; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư lớn lên tới 56.520 tỷ đồng, chạy qua 3 tỉnh, thành phố, sử dụng nguồn ngân sách lên tới hơn 24.000 tỷ đồng nên cần phải được đánh giá kỹ lưỡng về quy mô, hướng tuyến, phương án thiết kế, sơ bộ tổng mức đầu tư...
Trong khi đó, các thành viên của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, không có đủ thời gian và điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ của dự án phục vụ cho công tác thẩm định.
Quảng cáo
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư.
Trước đó, vào ngày 16/1/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án PPP thành phần 3 - xây dựng đường cao tốc Vành đai 4 để làm cơ sở triển khai tiếp theo.
Quy hoạch dự án
Được biết, Dự án thành phần 3 có mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Quy mô dự kiến đầu tư khoảng 112,8km, quy mô 4 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m) bao gồm 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng cùng với các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
Sơ bộ tổng mức đầu tư 56.536 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 18.313 tỷ đồng; ngân sách địa phương 8.776 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 29.447 tỷ đồng.
Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng rất lớn, hơn 1.300 ha. Trong đó, Hà Nội khoảng 740 ha, Bắc Ninh cần thu hồi 320 ha, Hưng Yên cần thu hồi khoảng 270 ha.
Hồi tháng 10/2022, lãnh đạo 3 địa phương đã họp và thống nhất sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp được hoàn thành trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023 để thi công công trình. Ba địa phương thống nhất phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường từ năm 2027.