Những diễn biến hiện tại của tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc đang gợi lại viễn cảnh của Nhật Bản trong khoảng thời gian đầu thập niên 90...
Có những câu hỏi được đặt ra về việc liệu Trung Quốc có đang trở thành một Nhật Bản thứ hai khi mà các vấn đề về kinh tế - xã hội tại quốc gia tỷ dân xuất hiện rất nhiều điểm tương đồng so với xứ sở hoa anh đào trong thời điểm thập niên 90, hay còn được nhắc đến với cái tên "thập niên mất mát" (cách gọi thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản suốt những năm 90).
Những tương đồng về khía cạnh kinh tế - xã hội
Vào năm 2022, tổng nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên 62% GDP từ mức khiêm tốn 28% một thập kỷ trước. Con số này giống với tình hình tại Nhật Bản trước đây, với mức tăng lên 60% vào năm 1989 so với 26% của năm 1971. Trong khi đó, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao, vào khoảng 160% GDP - cao hơn mức đỉnh 145% ở Nhật Bản vào giữa những năm 1990.
Bên cạnh đó, tình hình nhân khẩu học của Trung Quốc đang có những thay đổi chóng mặt, với tốc độ tăng dân số chậm lại đáng kể và vấn đề già hóa thậm chí còn nghiêm trọng hơn Nhật Bản ở cùng giai đoạn phát triển. Đã có các báo cáo gần đây chỉ ra rằng dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau sáu thập kỷ - hồi chuông cảnh báo mới nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thực tế, bước ngoặt nhân khẩu học của Trung Quốc đã đặt quốc gia này vào con đường tương tự như Nhật Bản, nơi dân số bắt đầu giảm vào năm 2010 và liên tục tuột dốc từ đó. Liên Hợp Quốc đã dự đoán rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,31 tỷ người vào năm 2050 và 767 triệu vào cuối thế kỷ này. Khi đó, Trung Quốc sẽ chỉ đông dân hơn 3,5 lần so với Mỹ - quốc gia được dự đoán sẽ có 375 triệu người vào năm 2050 - so với mức 4,3 lần của hiện tại.
Một lĩnh vực khác để đưa vào so sánh là bong bóng bất động sản. Tất nhiên, vẫn có một số khác biệt lớn giữa cả hai quốc gia. Bắc Kinh giám sát thị trường nhà ở thông qua các biện pháp kiểm soát hành chính nhiều hơn so với Tokyo đã làm trong những năm 1990. Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn do khu vực nhà nước chi phối. Và tài khoản vốn phần lớn đã bị đóng, khiến các hộ gia đình Trung Quốc có ít lựa chọn hơn so với các hộ gia đình Nhật Bản.
Hiện tại, các vấn đề hạn chế cung cầu nhà ở tại Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Về dài hạn, ngay cả khi doanh số bán bất động sản ổn định, sự điều chỉnh thấp hơn so với mức đỉnh vẫn có nghĩa là hoạt động xây dựng và nhu cầu vật liệu sẽ thấp hơn trong những năm tới.
Mặc dù những biện pháp gần đây ở Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực nợ của các nhà phát triển và cải thiện tính thanh khoản, nhưng thật không may, chúng có thể có rất ít tác động tích cực hoặc vô cùng hạn chế đối với chính lĩnh vực này. Vấn đề cốt lõi là các hộ gia đình không bày tỏ nhiều sự quan tâm đến việc mua nhà mới.
Khi đặt viễn cảnh bất động sản Nhật Bản trong những năm 1990 và Trung Quốc ngày nay, sự so sánh là rất đáng chú ý. Và trên thực tế, điều mà các nhà phân tich đã thấy là không qua lạc quan. Đáng nhấn mạnh ở đây, nhà ở là một ngành công nghiệp trụ cột ở Trung Quốc, chiếm 20% đầu tư tài sản cố định và 30% tổng nguồn vốn cho chính quyền địa phương. Theo ước tính của Trung tâm Bảng cân đối Quốc gia, nhà ở chiếm 40,4% tổng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc vào năm 2019, giảm từ mức cao nhất là 53,5% vào đầu những năm 2000. Thêm vào đó, khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 2019 cho thấy nhà ở chiếm gần 60% tài sản của các hộ gia đình thành thị.
Một sự thay đổi lớn trên thị trường nhà ở sẽ trực tiếp kéo giảm tốc độ tăng trưởng (giảm tốc độ đầu tư vào bất động sản 5% sẽ kéo tăng trưởng GDP xuống thêm 0,6–0,7%) và ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực tài chính.
Hoạt động thị trường nhà đất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và khả năng thị trường chạm đáy (quay trở lại mức 2020–2021) là khá thấp. Nói cách khác, thị trường nhà ở sẽ phải tìm kiếm một con đường cân bằng mới sau khi trải qua một đợt thu hẹp lớn đến như vậy, phù hợp với đánh giá rằng nhu cầu nhà ở cơ bản sẽ tiếp tục giảm 4% mỗi năm (dự báo của JPMorgan) trong thập kỷ tới.
Từ góc độ vĩ mô, điều này cho thấy rằng nhà ở sẽ không còn là lực nâng đối với tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng nội địa trong trung và dài hạn, ngay cả khi lực cản nhà giảm đi hơn đáng kể trong tương lai.
Giảm sự phụ thuộc vào thị trường nhà ở có lẽ là mong muốn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, khi họ tập trung hơn vào mục tiêu thúc đẩy công nghệ cao, sản xuất nâng cấp, nền kinh tế xanh hơn và cơ sở hạ tầng mới. Sự khác biệt giữa hiệu suất trong các lĩnh vực này và thị trường nhà ở được dự đoán sẽ càng sâu sắc hơn trong năm nay và rất có thể sẽ tiếp tục xu hướng như vậy trong những năm tới như một nỗ lực chính sách chuyển đổi kinh tế, nhưng điều đó khó có thể bù đắp cho lĩnh vực bất động sản đã và đang suy yếu.
Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang ngày càng giống với Nhật Bản của những năm 1990, ngụ ý giai đoạn này có thể trở thành một “thập niên mất mát” của Trung Quốc, đặc biệt khi xem xét “quả bom hẹn giờ” mang tên nhân khẩu học.
“Điều đáng lo ngại là Trung Quốc ngày càng trở nên giống với Nhật Bản vào cuối những năm 1980, đầu 1990,” các nhà kinh tế Zhu Haibin chia sẻ trong một ghi chú.
Theo một số chuyên gia, có lẽ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nên nghiên cứu thêm về “thập niên mất mát” của Nhật Bản và lý do tại sao chúng xảy ra, thay vì tập trung nỗ lực vào việc tìm hiểu mọi khía cạnh về sự sụp đổ của Liên Xô.
Hướng đi của chính phủ Trung Quốc
Vào giữa tháng 2/2023, ông Tập Cận Bình đã công bố một bài báo trên tạp chí Cầu thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, ổn định tăng trưởng được tuyên bố là mục tiêu số một trong các chính sách kinh tế của Bắc Kinh vào năm 2023. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã so sánh mục tiêu ổn định tăng trưởng trong thời kỳ hậu đại dịch ngang hàng với mục tiêu quản lý khủng hoảng năm 1998 (khủng hoảng tài chính châu Á) và năm 2008 (khủng hoảng tài chính toàn cầu).
Với mục tiêu này, chính phủ của ông Tập Cận Bình đang chuyển ưu tiên sang các chính sách trọng cầu (chính sách kích thích ngược chu kỳ) thay vì chính sách trọng cung. Trước đại dịch Covid-19, “cải cách kinh tế trọng cung” là một thuật ngữ đặc biệt được sử dụng từ cuối năm 2015 để tóm tắt các nỗ lực chính sách của Bắc Kinh nhằm giảm tình trạng dư thừa công suất trong công nghiệp và giảm thiểu rủi ro cho những lĩnh vực kinh tế có đòn bẩy cao như nhà ở và tài chính ngầm (shadow banking - một thuật ngữ để chỉ các hoạt động tài chính và tín dụng được thực hiện bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống, không được quản lý hoặc giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chính phủ).
Tuy nhiên, trong suốt ba năm đại dịch kéo dài, các chính sách trọng cung chủ yếu đề cập đến các biện pháp chính sách (giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh khoản vay, …) để hỗ trợ các công ty doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch và giảm bớt sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong cả hai trường hợp, kích cầu đều bị xếp vào các biện pháp chính sách thứ yếu.
Trong bài báo trên tạp chí Cầu thị (Qiushi), chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng sự thiếu hụt tổng cầu hiện là thách thức chính mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, đồng thời cam kết thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đầu tư công để củng cố kỳ vọng của công chúng và cải thiện niềm tin kinh doanh.
Một số điểm chính được nêu ra trong bài báo bao gồm:
Khôi phục và mở rộng nhu cầu tiêu thụ là ưu tiên số một. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh điều quan trọng là phải cải thiện khả năng chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, những người có xu hướng tiêu dùng cao nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Theo đó, các chính sách của chính phủ nên nhằm mục đích tăng thu nhập hộ gia đình và mở rộng tín dụng tiêu dùng (ví dụ: thế chấp, vay mua ô tô, vay thẻ tín dụng, …). Về các mặt hàng tiêu dùng cụ thể, ông Tập nhấn mạnh nhu cầu về nhà ở, phương tiện năng lượng mới, chăm sóc người cao tuổi, giáo dục, chăm sóc y tế, …
Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng đầu tư tổng thể thông qua đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng công cộng. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng đầu tư của chính phủ là một công cụ mạnh mẽ để bù đắp những kỳ vọng yếu kém của các nhà đầu tư tư nhân trong việc đối phó với những biến động của chu kỳ kinh doanh. Các lĩnh vực đầu tư cụ thể của chính phủ bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, tiết kiệm nước, nông nghiệp, thông tin và viễn thông, và các công trình công cộng quan trọng khác, trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021–2025).
Về xuất khẩu, Trung Quốc cần ổn định xuất khẩu sang các nước phát triển và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, so với tiêu dùng và đầu tư, xuất khẩu rõ ràng không được coi là động lực chính cho tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023, do nhu cầu bên ngoài đang chậm lại nhanh chóng và tăng trưởng xuất khẩu giảm vào cuối năm 2022.
Tại sao chủ tịch Tập Cận Bình lại xuất bản một bài báo về các chính sách kinh tế như vậy vào thời điểm này? Nhiều nhà phân tích tin rằng nó phản ánh những suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách về điều kiện kinh tế hiện tại và chiến lược tăng trưởng của Trung Quốc.
Bắc Kinh coi việc dứt khoát từ bỏ chính sách zero Covid là một thành công lớn, nhưng các chính sách kinh tế vĩ mô cần phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch. Hơn nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng thương mại giữa các nền kinh tế tiên tiến sẽ gây thất vọng.
Giờ đây, ưu tiên của Bắc Kinh đang chuyển từ kiểm soát Covid sang phục hồi kinh tế. Xét về các biện pháp chính sách cụ thể, chính phủ đang xoay trục từ việc giải cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn sang kích thích tổng cầu.
Làm thế nào mà ông Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc đạt được mục tiêu trở lại mức tăng trưởng kinh tế khả quan bằng cách dựa chủ yếu vào việc củng cố nhu cầu nội địa? Liệu Trung Quốc có thể thực sự đạt được các mục tiêu tăng trưởng dự kiến chỉ dựa trên cơ sở tiêu dùng trong nước mà không có bất kỳ sự thúc đẩy nào từ thặng dư thương mại?
Trong một bài phát biểu quan trọng vào ngày 28/2/2023, ông Tập Cận Bình cho biết chính phủ sẽ đưa ra các kế hoạch cải cách cơ cấu sâu sắc trong lĩnh vực tài chính và thực hiện kiểm soát nhiều hơn đối với công tác khoa học và công nghệ —các lĩnh vực chiến lược then chốt khi Mỹ thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc có được các vật liệu bán dẫn tiên tiến và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Bài phát biểu này đưa ra những cách thức mà ông Tập dự định thu hút tất cả doanh nghiệp tư nhân vào hệ thống kế hoạch hóa tập trung cho toàn bộ nền kinh tế. Nó cũng giải thích ý định đưa những tiến bộ công nghệ vào cùng hệ thống kế hoạch tập trung đó. Ngoài ra, những lời kêu gọi trước đây về sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nỗ lực kinh tế công và tư sẽ được thực hiện phù hợp với chính sách tập trung hóa toàn bộ nền kinh tế.