Dù rất được quan tâm, chú trọng phát triển nhưng hợp tác xã lại đang muốn “bình đẳng với doanh nghiệp”.
Ngày 8/3/1948, tại chiến khu Việt Bắc, hợp tác xã thủy tinh Dân chủ đã chính thức được thành lập, mở đầu cho tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam. Tiếp sau đó, khi miền Bắc được giải phóng, Đảng và Nhà nước chú trọng xây dựng, phát triển hợp tác xã. Tính đến năm 1960, có hơn 50 nghìn hợp tác xã được thành lập, đóng góp tích cực vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và tri viện cho kháng chiến tại miền Nam.
Đến khi thực hiện đường lối Đổi mới, nhiều hợp tác xã do không kịp thích ứng với sự biến chuyển của nền kinh tế nên đã rơi vào tình trạng khó khăn, kinh doanh thua lỗ và bị giải thể. Tuy nhiên, đến năm 1996, Luật hợp tác xã đầu tiên ra đời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy đổi mới, phát triển hợp tác xã theo phương hướng mới, thích ứng với cơ chế thị trường.
Tính đến năm 2022, cả nước đã có khoảng hơn 29 nghìn hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã và 71 nghìn tổ hợp tác. Các hợp tác xã nhìn chung đều có hiệu quả hoạt động tăng so với năm 2021. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong mô hình kinh tế hợp tác xã vấn chưa được giải quyết, đặc biệt là Luật hợp tác xã 2012 bộc lộ ra nhiều điểm chưa phù hợp, do đó chưa đi vào đời sống và tạo ra hiệu quả thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.
Chưa rõ ràng, thiếu động lực
TS. Nguyễn Đình Cung đóng góp ý kiến về hợp tác xã. Ảnh: MPI
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết, hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, tuy nhiên hiện nay lại đang là thành phần “yếu nhất” trong nền kinh tế.
Một trong những nguyên nhân được vị chuyên gia này chỉ ra là Luật hợp tác xã 2012 chưa tạo ra được động lực cho sự phát triển của hợp tác xã. Quy định về hợp tác xã trong luật vẫn mang tính “đóng” cả về huy động vốn lẫn cơ chế thu hút nhân tài.
“Hợp tác xã hiện nay hầu như không có cơ chế huy động nhân tài. Ví dụ như hội đồng quản trị của hợp tác xã, phải có cơ chế để thu hút nhân tài vào giữ vị trí điều hành chứ không phải chỉ cho thành viên hợp tác xã làm thành viên hội đồng quản trị”, ông Cung cho biết.
PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên chuyên viên nghiên cứu CIEM, lại nhìn nhận, hợp tác xã có chức năng kép về cả kinh tế và xã hội, tuy nhiên lại chưa đưa ra được định nghĩa rõ ràng về các chức năng này.
Cùng chung nỗi trăn trở về động lực phát triển hợp tác xã, ông Quang chỉ ra, khi tham gia hợp tác xã, người dân đóng góp công sức, tài sản chung nhưng đến khi về hưu lại không được hưởng lợi ích gì, ngoại trừ hưởng bảo hiểm xã hội.
PGS.TS Chu Tiến Quang chỉ ra bất cập trong chính sách hợp tác xã. Ảnh: MPI
Mặt khác, khái niệm “sở hữu tập thể” cũng chưa được làm rõ trong các văn bản pháp luật. Người dân chưa hiểu “sở hữu tập thể là gì”, do đó cũng chẳng thể nào đưa ra câu trả lời “tại sao phải cống hiến cho sở hữu tập thể”.
Nghịch lý “hợp tác xã muốn bình đẳng như doanh nghiệp”
Nhận xét về Luật hợp tác xã hiện hành, TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết, qua tham khảo ý kiến của người lao động hay ban quản trị các hợp tác xã, có thể thấy, hiện nay luật gần như không có sự phù hợp nào với thực tiễn.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Cung rằng mô hình hợp tác xã “yếu hơn so với tất cả các thành phần kinh tế khác”, ông Sỹ nhìn nhận, các hợp tác xã đang lên tiếng để “đòi quyền bình đẳng với doanh nghiệp”.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, đây là một nghịch lý bởi từ khi mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ra đời, từ khi hợp tác xã vận hành kiểu cũ cho đến kiểu mới như bây giờ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tồn tại nghịch lý như vậy thể hiện rằng dù dành sự quan tâm nhưng chính sách không hiệu quả, không thể thúc đẩy các hợp tác xã phát triển.
TS. Đinh Dũng Sỹ nêu lên "nghịch lý" của hợp tác xã. Ảnh: MPI
Một số quy định, theo ông Sỹ, vẫn còn đi theo tư duy cũ, đơn cử như khống chế tỷ lệ sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ ngoài thị trường hay quy định tài sản chung không cho phép chuyển nhượng, mua bán. “Đó là những quy định từ thời sơ khai, giờ không hợp lý nữa, nước ngoài cũng không ai có quy định như vậy”, ông Sỹ trao đổi với Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Khả năng tiếp cận nguồn vốn của hợp tác xã cũng bị hạn chế bởi không có tài sản. Một số hợp tác xã còn cho biết, khi đi vay vốn, ngân hàng khuyên hợp tác xã nên chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp để có tài sản thế chấp, như vậy mới thỏa mãn điều kiện vay vốn.
Giải pháp căn cơ cho hợp tác xã
Những bất cập trong Luật Hợp tác xã 2012 là tiền đề để triển khai dự án xây dựng Luật Hợp tác xã sửa đổi do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, hiện đang được các Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét.
Góp ý vào dự thảo luật này, ông Sỹ lập luận, khác với doanh nghiệp, hợp tác xã là liên kết kinh tế lỏng lẻo nhất, do đó các thiết kế chính sách phải tạo cho hợp tác xã cơ chế mở nhất, bởi “nếu cứng ngắc quá sẽ bóp nghẹt mô hình hợp tác xã”.
Còn theo ông Cung, dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi cần quy định cụ thể về những động lực thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã, ví dụ như cơ chế tiền lương nhằm thu hút nhân tài về quản lý, điều hành hợp tác xã.
Ý kiến từ các bộ, ngành cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu ra, cần phải tạo được cơ chế hiệu quả giúp hợp tác xã tiếp cận được nguồn tín dụng, đất đai, đào tạo nâng cao nhận thức, hiểu biết của chính quyền cấp xã trở lên về hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã về logistisc…
Ghi nhận góp ý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Chung cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể.
Về phía Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ sẽ hoàn thiện dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Quyết định 1803 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng thời xây dựng và công bố sách trắng về hợp tác xã Việt Nam, tổ chức diễn đàn hợp tác xã trong năm 2023.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tích cực đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tiếp tục nắm bắt thực tế để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, với trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ chế đặc thù hỗ trợ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.