Thời gian qua, sau giai đoạn trầm lắng thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu chuyển mình tích cực, để sớm quay trở lại đường đua…
Nguồn: Vietnam Report
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều xu hướng phát triển mới và các doanh nghiệp cũng có những chiến lược ưu tiên trong hoạt động kinh doanh.
Những xu hướng mới
Vietnam Report đã tổng hợp ý kiến chuyên gia qua phỏng vấn, khảo sát doanh nghiệp và phân tích truyền thông chỉ ra 5 xu hướng của ngành bất động sản đã và đang diễn ra.
Đầu tiên, xu hướng nhà ở xã hội bùng nổ. Bởi, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo phục hồi trong năm 2023 khi mà nhu cầu nhà ở vừa túi tiền luôn ở mức cao trong suốt thời gian qua. Sau những động thái tích cực từ phía Nhà nước lẫn doanh nghiệp với đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, giới chuyên gia kỳ vọng năm 2023 sẽ là thời điểm tốt nhất để phân khúc này trở lại.
Việc tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội những năm tới sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt về nguồn cung thị trường, nhắm đúng đối tượng có nhu cầu ở thật và sẽ giải quyết bài toán thị trường nhà ở hiện nay, vốn đang “thừa khúc trên, thiếu khúc dưới”.
Thứ hai, xu hướng xanh hóa lên ngôi, theo đó các chuyên gia bất động sản trên thế giới nhận định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phong cách sống của người dân đô thị đang thay đổi nhanh. Trong đó, an toàn và sức khỏe đã trở thành yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Sống xanh đang là xu hướng phổ biến, khái niệm “sống xanh” không chỉ có nghĩa là sống tại những nơi có không gian xanh mà còn là sống trong một tổ hợp tiện nghi, một ngôi nhà hiện đại, môi trường sống trong lành, thoáng đãng và cộng đồng dân cư văn minh… việc xây dựng và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường.
Trước đó, nghiên cứu của Green Street Advisors năm 2020 chỉ ra rằng, những tòa nhà xanh sở hữu tỷ lệ lấp đầy tốt hơn so với các dự án kém bền vững. Mặc dù chi phí xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn xanh thường cao hơn, có thể thấy rằng, khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả cho một không gian làm việc thoải mái, nhân văn và bền vững. Nếu các chủ đầu tư không thích nghi được với thị hiếu toàn cầu này, các tòa nhà văn phòng, chung cư hiện nay sẽ mất dần giá trị và không giữ chân được khách hàng lâu dài.
Thứ ba, xu hướng công nghệ số hóa. Hơn 2 năm trước, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Mọi thứ từ những việc như đi chợ, học tập, làm việc đến rèn luyện thể thao, khám sức khỏe đều có thể được tiến hành qua mạng.
Trong lĩnh vực bất động sản, cũng đã ra đời Proptech - công nghệ bất động sản, được xem như chìa khóa mở bế tắc giao dịch bất động sản. Trong hơn 5 năm qua, ứng dụng công nghệ bất động sản đã vượt qua chức năng đăng tin dự án, đã tạo ra được các giao dịch trực tiếp.
Từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022 có ít nhất 5 startup đã công bố các vòng gọi vốn mới, theo Property Insight Program, thị trường proptech Việt Nam có thể thu hút khoảng 500 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư. Năm 2023 được kỳ vọng là năm phát triển của thị trường Proptech sau khi các vấn đề về pháp lý và dòng vốn được gỡ bở.
Thứ tư, xu hướng thuê nhà mới. Hiện nay, áp lực cạnh tranh của những người cho thuê không chỉ dừng lại ở giá thuê mà còn ở những tiện ích đi kèm, chỉ cung cấp “bốn bức tường” là không đủ.
Trong những tòa nhà cho thuê 4.0, việc cung cấp địa điểm làm việc tạo ra năng lượng, thiết kế phòng năng động đáp ứng cả làm việc nhóm và làm việc cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng. Đặc biệt, người thuê còn hướng đến những địa điểm cung cấp các dịch vụ như hệ thống nhận hàng, đỗ xe thông minh.
Cuối cùng, xu hướng chủ đầu tư chuyển sang nhận thầu xây dựng. Theo chuỗi giá trị của ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp trong ngành có xu hướng phát triển đi lên từ đơn vị sản xuất vật liệu đến thầu phụ, tổng thầu xây dựng và cuối cùng là chủ đầu tư.
Đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài chính, thay vì mua đất và sở hữu các dự án từ đầu, ngày càng có nhiều công ty bất động sản bắt đầu cung cấp dịch vụ xây dựng với tư cách là nhà thầu. Xu hướng “lấy công làm lãi” này đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, chuyện tương tự cũng có thể xảy ra tại Việt Nam.
Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp
Những xu hướng trên đã dần xuất hiện trên thị trường bất động sản, để thích nghi và phát triển các doanh nghiệp bất động sản cần có những hoạch định, hướng đi chiến lược cho mình.
Nguồn: Vietnam Report
Báo cáo của Vietnam Report cho rằng, các doanh nghiệp ngành bất động sản đã ưu tiên 5 chiến lược chủ đạo để vượt qua thách thức và đón đầu xu hướng kinh doanh mới. Cụ thể các doanh nghiệp tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; cắt giảm chi phí; đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ; tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự thích ứng với thời đại công nghệ số; tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhân sự.
Trong giai đoạn 2020-2021, chiến lược tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro đã nằm trong top 5 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, đến năm 2022, tình hình kinh doanh những tháng đầu năm của doanh nghiệp có kết quả khả quan nên chiến lược này có sự sụt giảm.
Ở thời điểm kinh tế thế giới nhiều biến động như hiện nay, 73,1% doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn chiến lược này với hy vọng tăng cường hệ thống quản trị rủi ro sẽ giúp hỗ trợ bộ phận quản lý cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tối đa các nguyên nhân dẫn tới sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, chủ động trong các tình huống xảy ra.
Đáng chú ý, chiến lược cắt giảm chi phí có sự tăng lên theo từng năm, tăng mạnh mẽ nhất trong năm 2023, nhưng dự báo sẽ sụt giảm trong 3 năm tới. Sở dĩ có điều này là do từ năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp do phải vừa chống dịch vừa phải đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến năm 2022 và 2023, tình hình ngành bất động sản cũng không lạc quan hơn so với khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp sụt giảm số đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, nan giải hơn có những doanh nghiệp không còn đủ tiền để trả lương, trả trợ cấp cho nhân viên.
Trong thời gian khó khăn này, việc doanh nghiệp sử dụng chiến lược này để sắp xếp, điều chỉnh, duy trì hoạt động kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, nâng cao sức chống chịu đồng thời có thể tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, trong 3 năm tới, khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát triển chiến lược khác như chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Theo khảo sát của Vietnam Report, từ năm 2021, doanh nghiệp đã bắt đầu ưu tiên sử dụng các chiến lược về chuyển đổi số. Lý giải cho điều này là do năm 2021, đại dịch diễn ra mạnh mẽ, cả nước đều trong tình trạng phong tỏa. Điều này đã dẫn tới các doanh nghiệp buộc phải chuyển sang chế độ làm việc từ xa, vậy nên có đến 31,7% doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ, 71,4% doanh nghiệp tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự thích ứng với thời đại công nghệ số.
Mặc dù năm 2022 có sự sụt giảm mạnh ở chiến lược tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự thích ứng với thời đại công nghệ số, tuy nhiên năm 2023 và 3 năm tới chiến lược này vẫn nằm trong top 5 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp.
“Hiện nay, doanh nghiệp đang trên tiến trình phát triển bền vững, ứng dụng chuyển đổi số là một yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Đơn cử như việc áp dụng e-Office có thể giảm việc sử dụng giấy hay việc ứng dụng công nghệ nhiều hơn vào quá trình sản xuất đều là bước khởi đầu trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp”, Vietnam Report đánh giá.