CEL, công ty tư vấn trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, vừa phát hành báo cáo toàn diện đầu tiên, phân tích tác động của bão Yagi đối với chuỗi cung ứng tại miền Bắc.
Báo cáo này, được thực hiện từ ngày 10 – 15/ 9 với sự tham gia của 216 công ty thuộc các ngành sản xuất, bán lẻ và logistics (kho vận), nêu bật những gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng, thiệt hại kinh tế và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp.
Tác động kinh tế và doanh nghiệp
Bão Yagi đã gây ra thiệt hại ước tính 1,64 tỷ USD, dự kiến làm giảm 0,15% GDP của Việt Nam trong năm 2024.
Khoảng 15,4% doanh nghiệp chịu gián đoạn nghiêm trọng, trong khi 53,6% gặp phải những chậm trễ có thể kiểm soát được. Đáng chú ý, chỉ 6,2% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng.
Ngành chuỗi cung ứng và logistics chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 73,3% doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp gián đoạn nghiêm trọng. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cảng và chuỗi cung ứng lạnh bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ngành nông nghiệp chịu tổn thất lớn với 262.000 ha hoa màu bị phá hủy, 2.250 bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi và gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết.
Bộ Kế hoạch và đầu tư ước tính sơ bộ tổng thiệt hại tài sản lên tới 40.000 tỷ đồng. GRDP của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai giảm hơn 0,5%.
Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn nhất, với tổng thiệt hại 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn nửa tổng thiệt hại quốc gia.
Sau bão, 99% mạng lưới điện bị mất, hạ tầng viễn thông hư hỏng nặng. Đến nay cũng mới có 70% điện đã được khôi phục, và gần 100% mạng viễn thông được tái thiết lập.
Tỉnh đề xuất nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản, du lịch, dịch vụ và công nghiệp, cũng như đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ vay vốn để khôi phục sản xuất.
Tỉnh bị ảnh hưởng lớn thứ hai là Hải Phòng với tổng thiệt hại hơn 10.800 tỷ đồng, tính đến ngày 14/9.
Các vấn đề như mất điện, hư hỏng hàng hóa và sạt lở đường sá đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng ở miền Bắc Việt Nam. Ngành logistics bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 82,4% doanh nghiệp gặp gián đoạn nghiêm trọng hoặc vừa phải.
Theo khảo sát của CEL, khoảng 50-60% nhà máy bị ngập lụt, 30-40% cơ sở công nghiệp bị hư hại mái nhà, sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn ảnh hưởng đến khoảng 10-15% nhà máy.
Khoảng 80-90% doanh nghiệp trải qua sự cố gián đoạn điện và truyền thông.
Khoảng 20-30% công ty phải đối mặt với thiệt hại hàng tồn kho, đặc biệt là các ngành như điện tử và sản phẩm gỗ.
Xói mòn đường làm gián đoạn logistics và vận tải cho khoảng 20-30% doanh nghiệp.
Phục hồi khả quan
Dù tình hình khó khăn, 44,6% doanh nghiệp hy vọng sẽ phục hồi trong vòng 1-2 tuần nhờ sự huy động nguồn lực nhanh chóng. Tuy nhiên, theo CEL, thời gian phục hồi thực tế có thể kéo dài hơn dự đoán và đối mặt với những thách thức khác.
Ngành nông nghiệp dự kiến sẽ mất từ sáu tháng đến vài năm để khôi phục hoàn toàn. Trong khi cây trồng có thể hồi phục sau một năm, việc khôi phục chăn nuôi và thủy sản có thể mất đến hai năm.
Theo Tổng giám đốc CEL Consulting, ông Julien Brun, “Thời tiết khó lường đã trở thành bình thường, và những sự kiện như Bão Yagi không còn là ngoại lệ. Chúng ta phải thích ứng với thực tế mới này”.
Khái niệm 'Just-in-Case' cần trở thành cốt lõi trong việc lãnh đạo, ra quyết định và vận hành chuỗi cung ứng. Thảm họa này là lời nhắc nhở rằng chuỗi cung ứng phải được thiết kế khác biệt, chuẩn bị tốt hơn và phục hồi nhanh chóng hơn. Khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng giờ là yêu cầu tất yếu, không còn là lựa chọn.
Có thể thấy, các nhà bán lẻ lớn đã phản ứng một cách chủ động và nhanh chóng khi tăng gấp 2-4 lần lượng hàng hóa so với bình thường để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt thực phẩm.
MM Mega Market, Central Retail và Saigon Co.op đã tăng mạnh lượng hàng rau quả từ Lâm Đồng và miền Nam lên miền Bắc.
BRGMart tăng 30% dự trữ hàng hóa thiết yếu để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá trong thời gian gián đoạn do bão.
WinMart vận chuyển gần 100 tấn rau củ thiết yếu hàng ngày từ miền Nam Việt Nam và Lâm Đồng đến miền Bắc.
Điều này dẫn đến phản ứng giá khác nhau trong các phân phúc thị trường trước những gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời tại miền Bắc do bão Yagi.
Theo đó, siêu thị cam kết duy trì ổn định giá cả trong và sau bão. Trong khi đó, chợ truyền thống tăng giá từ 10-100% do nguồn cung khan hiếm và thách thức trong vận chuyển.
Nhật Hạ