Từ tháng 8/2024, theo quy định mới, lịch công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sẽ được dời sang ngày mùng 6 tháng kế tiếp. Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 8 sẽ công bố vào ngày 6/9...
Ngày 29 hằng tháng, cuối mỗi quý là thời điểm Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội, với các chỉ tiêu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tổng sản phẩm nội địa (GDP)…
Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định thay đổi thời gian phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Như vậy thực hiện Nghị định này, từ ngày 1/8/2024 Tổng cục Thống kê sẽ thay đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế – xã hội tháng, quý 1, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 6 của tháng kế tiếp sau kỳ báo cáo”.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sau khi lùi thời gian công bố 6/7 ngày, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có số liệu sớm nhất trên thế giới.
Tại Canada, Pháp, Hàn Quốc, GDP quý 1/2023 được công bố sau 2 tháng; Mỹ, Đức, Singapore sau hơn 1,5 tháng; Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sau 1,5 tháng... Lịch công bố CPI hàng tháng của Mỹ, Pháp sau nửa tháng của kỳ báo cáo; Canada, Nhật, Malaysia sau gần 1 tháng; Úc sau 1 tháng.
Thay đổi của Việt Nam theo xu hướng thế giới, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của chính quyền các cấp, liên quan đến việc điều chỉnh thời gian tổ chức các kỳ họp điều hành của Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp.
Dưới góc độ nghiệp vụ, theo bà Hương, lịch công bố số liệu mới góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế. Nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, GRDP được cập nhật, đầy đủ hơn. Ngành thống kê có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng.
Những bất cập về việc thu thập, biên soạn số liệu, “vênh” thời điểm giữa các bộ, ngành cũng khắc phục.
Đi qua 2/3 chặng đường chinh phục mục tiêu tăng trưởng năm nay, kinh tế Việt Nam đang ghi nhận nhiều điểm sáng. GDP quý 2 đạt 6,93%, thúc đẩy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này thậm chí vượt kịch bản tăng trưởng cao nhất 6,5% cho cả năm mà Quốc hội đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ phương án tăng trưởng cao hơn, phấn đấu mức 7% trong năm nay. Tăng trưởng GDP quý 3 và 4 phải lần lượt đạt 7,4 - 7,6%.
“Thông thường quý 3 và 4 được đánh giá là các quý động lực của năm, nên hoàn toàn có sơ sở để kỳ vọng kết quả tăng trưởng cao hơn mức 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Vũ Anh