Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu tháng 01/2023 tiếp tục giữ xu hướng tích cực. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu chiếm 89%; nhóm hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm 93%.
Hoạt động xuất khẩu, bán lẻ tháng đầu tiên năm 2023 phát đi những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm 2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,5%).
Mặc dù vậy, theo nhận định của Tổng cục, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Ngược chiều với thương mại nội địa, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có phần trầm lắng do tháng Một rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, xuất khẩu và nhập khẩu cả nước trong tháng Một đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, do Tết Nguyên đán năm 2022 rơi vào tháng 2, nên hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu không bị ảnh hưởng.
Với tốc độ nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu, nên Việt Nam xuất siêu 3,6 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2023.
Trong khi đó, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu tháng 01/2023 tiếp tục giữ xu hướng tích cực. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu chiếm 89%; nhóm hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm 93%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.