Ngày 14/2/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương cùng Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, đại diện VCCI và hơn 100 doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Sửa đổi trên tinh thần cầu thị
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trước đây khi sửa đổi cũng trải qua thời gian hơn 2 năm nghiên cứu, thảo luận, rà soát và tiếp thu lượng lớn ý kiến của các chuyên gia cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây có nhiều biến động mang tính chất dị biệt, đặt ra những yêu cầu mới về công tác quản lý và điều hành thị trường trong nước, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, kiểm soát CPI - một trong những cân đối chính của nền kinh tế nhưng đi cùng với đó là tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Trần Duy Đông, dự thảo mà Bộ Công Thương đang đưa ra vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trao đổi ý kiến, các phương án đưa ra trong dự thảo đều có nêu rõ ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, việc làm chính sách cần hướng đến hiệu quả lâu dài và tôn trọng quy định khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng, và “quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị”.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, Dự thảo Bộ Công Thương đưa ra lần này là rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm. Đây là tín hiệu thúc đẩy đối thoại.
Đại diện VCCI cho rằng, Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Sự hiện diện của đông đảo đại diện các doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành phố cũng thể hiện sự quan tâm và nhu cầu rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đối với việc sửa đổi Nghị định.
“Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân”, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ. Đồng thời nhấn mạnh, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.
Còn nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng doanh nghiệp
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, năm 2022, các cơ quan quản lý nói chung và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nói riêng đều đã thực hiện rất tốt, rất tích cực chức năng của mình theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95. Tuy nhiên, những tồn tại còn bộc lộ trên thị trường xăng dầu cho thấy vấn đề nằm ở Nghị định và cần sửa đổi, chứ không phải do các cơ quan chức năng chưa làm “tròn vai”.
Đối với việc điều hành giá, ông Bùi Ngọc Bảo nêu rõ quan điểm, không phải chu kỳ điều hành bao nhiêu ngày, mà điều quan trọng là cần tính đúng, tính đủ các chi phí của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong công thức giá. Các chi phí này cần được tính rõ trong đủ 20 ngày - số ngày doanh nghiệp bắt buộc đảm bảo dự trữ xăng dầu theo quy định.
“Chúng ta có thể 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày điều chỉnh giá một lần, nhưng mỗi lần điều chỉnh thì phải quay lại 20 ngày để tính toán, tương ứng với mức tồn kho của doanh nghiệp, vậy mới tính được cả các loại chi phí, chẳng hạn như chi phí lưu thông của doanh nghiệp”, ông Bùi Ngọc Bảo nêu rõ.
Như vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị nên quy định theo hướng Nhà nước công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước,… còn doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm tính toán và cộng thêm chi phí của mình vào, từ đó xác định và công bố giá bán lẻ cuối cùng.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong khi đó, nhóm các thương nhân phân phối xăng dầu tại Việt Nam lại kiến nghị chu kỳ điều hành giá 15 ngày như trong Nghị định 83, và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ 7, chủ nhật, ngày Lễ Tết. Lý do mà nhóm doanh nghiệp này đưa ra là chu kỳ 7 ngày sẽ không phù hợp với thực tế tại Việt Nam, khi kể từ khi ký hợp đồng nhập khẩu đến khi xăng dầu được vận chuyển về đến Việt Nam phải mất đến 10-15 ngày, về đến Việt Nam lại mất khoảng 5-7 ngày xăng dầu mới được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Cũng liên quan đến công thức giá, đại diện Công ty TNHH Vận tải Xăng dầu (Hà Giang) và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị Ban soạn thảo ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Đại diện này đề nghị cụ thể chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ là từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ là từ 2-2,5% giá bán lẻ.
Đối với vấn đề chiết khấu, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng đây là vấn đề giữa các doanh nghiệp với nhau, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi cần xem xét kỹ lưỡng khi đưa ra quy định về sự tham gia quản lý của Nhà nước.
Dù vậy, các doanh nghiệp bán lẻ lại cho rằng cần thiết phải có quy định mức chiết khấu tối thiểu, căn cứ trên đề xuất của Bộ Tài chính và VCCI. Đại diện Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng “điều này phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”; trong đó phần chiết khấu tối thiểu nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng; phần chiết khấu còn lại sẽ là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần.
Đáng chú ý, cả các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cho phép nhập hàng từ nhiều nguồn xăng dầu nhằm đa dạng hóa nguồn cung linh hoạt cho doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng trên thị trường, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung và tránh làm tăng tính độc quyền.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng phân tích thêm, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá nhằm mục đích đưa giá tiệm cận hơn với giá thế giới, nhưng khi giá thế giới lên cao lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) để “bình ổn”, điều này chưa hợp lý.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Quỹ BOG đang hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá; có xu hướng trích lập vào Quỹ khi giá ở kỳ điều hành trước giảm và ngược lại. Quỹ có vai trò điều hành giá quanh mức trung bình, “chống sốc” trong những kỳ biến động mạnh.
Do đó, ông khuyến nghị, Quỹ BOG chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, nên rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.
Kỳ điều hành 13/12/2023: Giá xăng tăng, giá dầu giảm Thy Thảo