Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông tin tưởng các ngân hàng khu vực của Mỹ đang hoạt động tốt và không nhìn thấy khủng hoảng lớn nào sắp xảy ra…
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết vào 25/3 rằng bảo hiểm tiền gửi liên bang có thể được khai thác đối với các khoản tiền gửi trên 250.000 USD nếu các ngân hàng khác của Mỹ phá sản. Đồng thời, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng các ngân hàng tầm trung của Mỹ sẽ vững vàng trước những căng thẳng trong lĩnh vực này.
“Tôi nghĩ chúng ta đã làm khá tốt. Tiền tiết kiệm của người dân đang được đảm bảo", ông Joe Biden nói trong cuộc họp báo ngày 25/3 ở Ottawa cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. “Tôi nghĩ rằng sẽ mất một thời gian để mọi thứ lắng xuống, nhưng tôi không thấy bất cứ điều gì khiến lĩnh vực này nổ tung".
Đây là nhận xét đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc khủng hoảng ngân hàng kể từ một tuần trước đó, khi ông tìm cách xoay trục khỏi vấn đề này nhằm hướng tới sự ổn định và tránh làm thị trường hoảng sợ.
Ông Joe Biden nói rằng nếu tình trạng hỗn loạn ngân hàng vẫn tiếp diễn, chính phủ sẽ giúp bảo đảm tiền gửi của công chúng.
“Nếu chúng tôi thấy rằng nó bất ổn hơn những gì ở trên bề mặt, chúng tôi sẽ có thể yêu cầu FDIC sử dụng quyền lực mà họ có để đảm bảo cho những khoản tiền gửi trên 250.000 USD như họ đã làm", ông cho biết thêm.
Trước đó, các cơ quan quản lý của Mỹ đã chịu áp lực phải đưa ra các thông tin rõ ràng hơn về việc đảm bảo tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng trước các lo ngại trong thị trường.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã kêu gọi các cơ quan quản lý tăng mức bảo lãnh đối với các tài khoản trên ngưỡng 250.000 USD hiện tại. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nói rằng các cơ quan quản lý sẽ không tìm cách cung cấp bảo hiểm tiền gửi “bao trùm” trước khi làm việc với các nhà lập pháp.
Ông Joe Biden đã bày tỏ sự tin tưởng rằng tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất đang khuấy động hệ thống ngân hàng Mỹ đã qua vào tuần trước. Cùng với đó, ông đã công khai đưa vấn đề này ra Quốc hội, khuyến khích các nhà lập pháp thông qua các quy định ngân hàng cứng rắn hơn và trừng phạt các giám đốc điều hành tại các ngân hàng làm ăn thua lỗ, bao gồm cả việc tăng cường quyền hạn để thu hồi tiền thưởng.
Những người cho vay khu vực ở Hoa Kỳ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature trong tháng này. Tình trạng hỗn loạn đã thúc đẩy những động thái chưa từng có của các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo tiền gửi của SVB và Signature.
Sau sự kiện chấn động này, Tổng thống Mỹ ông Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ bà Janet Yellen và các cơ quan quản lý ngân hàng khác đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố nhằm trấn an công chúng rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn an toàn.
Tuy nhiên, những sự cố gắng đó dường như không hiệu quả. Các nhà đầu tư liên tục bán phá giá cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu trong hai tuần qua. Những đợt tăng lãi suất nhanh chóng để kiềm chế lạm phát được cho là nguyên nhân gốc rễ của sự sụp đổ ngân hàng. Do đó, việc Fed vẫn quyết định tăng 25 điểm lãi suất đã khiến thị trường bất an.
Đồng thời, thỏa thuận giải cứu ngân hàng Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, xảy ra gần đây càng khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Ông Joe Biden đã trấn an các nhà đầu tư, phủ nhận khả năng những gì xảy ra với Credit Suisse ở châu Âu có thể gây hậu quả gì đối với các ngân hàng Mỹ.