Xu thế của thị trường là đi ngang nên khuyến nghị nhà đầu tư vẫn là mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 hay tháng 1 và bán trong các phiên hưng phấn khi tăng điểm với thanh khoản không cải thiện...
Chứng khoán ngày 20/3, thị trường phiên giao dịch đầu tuần có diễn biến tiêu cực ngay từ đầu khi mở cửa VN-Index giảm điểm và áp lực bán gia tăng mạnh dần đến cuối phiên. Kết phiên VN-Index không giữ được các vùng hỗ trợ 1.040 điểm, 1.030 điểm, giảm về mức 1.023,10 điểm, tương ứng giảm 22,04 điểm (-2,11%). Độ rộng tiêu cực với 369 mã giảm điểm (4 mã giảm sàn), 48 mã tăng điểm (3 mã tăng trần).
Chỉ số VN30 giảm mạnh hơn với mức giảm -23,21 điểm (-2,22%) về 1.024,50 điểm với 28 mã giảm điểm, 02 mã giữ giá tham chiếu. HNX-INDEX giảm -2,85 điểm (-1,39%) về mức 201,62 điểm với 127 mã giảm điểm (8 mã giảm sàn), 51 mã tăng điểm (7 mã tăng trần).
Thanh khoản HOSE và HNX đạt 10.613,53 tỉ đồng với 607 triệu cổ phiếu được giao dịch, dưới mức thanh khoản trung bình của thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều phiên liên tiếp mua ròng, chuyển qua bán ròng trong phiên giao dịch hôm nay với giá trị bán ròng 345,28 tỷ đồng với giá trị bán 1.485,10 tỉ, giá trị mua 1.139.82 tỉ đồng. Mua ròng ở HNX với giá trị mua ròng 13.84 tỷ đồng.
Với diễn biến của thị trường trước ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới, hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm. Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực giảm điểm mạnh như PVD (-6,01%), BSR (-5,70%), PVS (-5,51%), PVC (-5,44%)... Nhóm cổ phiếu bán lẽ cũng chịu áp lực bán mạnh với khối lượng giao dịch đột biến với FRT (-4,21%), PET (-4,11%), MWG (-3,30%), MSN (-2,40%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng chịu áp lực tương tự như TPB (-5,26%), VCB (-4,38%), HDB (-3,78%), CTG (-3.45%).. VCI (-4,92%), SHS (-4,55%), VND (-4,33%), SSI (-3,94%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản đa số cũng chịu áp lực bán sau những phiên phục hồi trước đấy như DIG (-6,02%), DXG (-5,13%), NLG (-4,40%), NVL (-3,48%)... Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng, hạ tầng có diễn biến tích cực hơn so với thị trường chung với những diễn biến tăng điểm từ đầu phiên.
Tuy nhiên kết phiên ngoài số mã tăng điểm như KSB (+1,00%), CII (+1,42%) thì đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh với NKG (-3,50%), HSG (-3,09%), HPG (-1,96%), BCC (-3,48%), VCG (-2,74%), HHV (-1,15%) ...
Báo hiệu tín hiệu kỹ thuật suy yếu
Chứng khoán BIDV (BSC)
Chứng khoán ngày 20/3, thị trường giảm điểm từ đầu phiên đến cuối phiến với mức độ tăng dần theo thời gian. 19/19 ngành giảm điểm với số mã giảm áp đảo số mã tăng. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HOSE trong khi mua ròng tại sàn HNX.
Thông tin về việc UBS mua lại Credit Suisse vẫn gây phản ứng khá tiêu cực trên thị trường khi mức giá UBS thấp hơn nhiều so với mức giá đóng cửa thứ 6. Hiện tại, nhịp vận động của VN-Index đang báo hiệu tín hiệu kỹ thuật suy yếu và có thế hướng về ngưỡng 1.000 điểm.
Tuy nhiên, với việc toàn bộ thị trường thế giới đang dõi theo quyết định của Fed trong ngày 22/3, nhiều khả năng chỉ số VN-Index có thể duy trì vận động trong vùng hỗ trợ 1.000-1.020 điểm.
Nên căn cứ vào cổ phiếu cụ thể
Chứng khoán MB (MBS)
Chứng khoán ngày hôm nay, phiên giảm mạnh trong vòng 1 tháng qua khiến chỉ số VN-Index xuyên qua vùng dao động đi ngang kể từ đầu tháng 3 và về sát đáy tháng 2. Kể từ đầu tháng 2, chỉ số VN-Index đang nằm trong kênh giảm và ngưỡng hỗ trợ cho thị trường trước mắt là mốc tâm lý 1.000 điểm, hỗ trợ kỹ thuật biên dưới kênh giảm giá là 993 điểm.
Trong bối cảnh chứng khoán thế giới biến động mạnh, trong nước chưa có thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư không nên tham chiếu các ngưỡng hỗ trợ ở chỉ số chung mà nên căn cứ vào cổ phiếu cụ thể để đưa ra quyết định và tuân thủ kỷ luật trong các giao dịch ngắn hạn.
Trong kịch bản lạc qua, chỉ số VN-Index sẽ có nhịp hồi kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 993 – 1.000 điểm.
Rủi ro tiếp tục mở rộng quán tính giảm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên cùng thanh khoản gia tăng. Việc đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 103x đã khiến cho chỉ số quay trở lại xu hướng giảm điểm trong trung hạn.
VN-Index đang đứng trước rủi ro tiếp tục mở rộng quán tính giảm điểm trong phiên tới và lùi xuống ngưỡng hỗ trợ gần là 1.015-1.020 và sâu hơn là 1.000 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy
Khuyến nghị nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng trading khi giá của các cổ phiếu mục tiêu về quanh ngưỡng hỗ trợ.
Hỗ trợ vùng 1.015 – 1.025 điểm
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, chứng khoán ngày hôm nay VN-Index tạo nến đỏ giảm điểm về dưới đường trung bình động MA20 cho thấy diễn biến tiêu cực của thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ báo đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực báo hiệu cho nhịp giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Xét về khung đồ thị ngày, chỉ báo ADX và DI- đang có xu hướng tăng cao thể hiện cho việc giảm điểm của thị trường vẫn còn có thể kéo dài. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường hiện tại vẫn đang là vùng điểm 1.015 – 1.025.
Nếu tình hình không được cải thiện và chỉ số chung giảm dưới khu vực này thì khi đó rủi ro sẽ ở mức báo động. Khuyến nghị các nhà đầu tư, chủ động đưa tỷ lệ tài khoản về mức an toàn để có thể hạn chế tối đa rủi ro khi thị trường giảm điểm trong ngắn hạn thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm ở các vùng hỗ trợ.
Mua khi giảm mạnh
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chứng khoán ngày 20/3, xu thế của thị trường là đi ngang nên khuyến nghị nhà đầu tư vẫn là mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 hay tháng 1 và bán trong các phiên hưng phấn khi tăng điểm với thanh khoản không cải thiện.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tập trung vào các mã cổ phiếu mạnh và duy trì tích cực bình quân 50 phiên hoặc các mã mạnh quay đầu giảm giá trước thị trường và đang tiệm cận vùng đáy tháng một và tháng 2.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.