Xu hướng ngắn hạn hiện tại đang chuyển sang giảm điểm. Chiến lược giao dịch ngắn hạn là đứng ngoài quan sát thị trường và kiên nhẫn chờ tín hiệu giảm điều chỉnh kết thúc...
Chứng khoán ngày 8/2/2023, thị trường hồi phục nhẹ trong phiên hôm nay. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,38 điểm (+0,6%) lên 1.072,22 điểm. HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,29%) lên 210,62 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 429 mã tăng và 371 mã giảm. Trong rổ VN30 (+0,36%), có 17 mã tăng, 12 mã giảm và 1 mã tham chiếu.
Thanh khoản trên cả 2 sàn giảm trở lại và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Cụ thể, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt 569 triệu đơn vị, với giá trị 10 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt 62 triệu đơn vị, với giá trị 882 tỷ đồng.
Ở chiều tăng, VCB (+2,4%) là mã đóng góp lớn nhất cho chỉ số với 2,609 điểm, HPG (+5,6%) đóng góp 1,603 điểm, SAB (+3,1%) đóng góp 0,964 điểm. Ngược lại, VIC (-1.09%) lấy đi 0,584 điểm của chỉ số, PLX (-4,6%) lấy đi 0,573 điểm, MWG (-2,6%) lấy đi 0,44 điểm.
HNX-Index cũng có diễn biến giằng co, các mã tác động tích cực nhất đến chỉ số bao gồm NVB (+2,1%), MBS (+2,9%) và PVS (+1,3%). Ngược lại, chỉ số chịu sức ép từ các mã KSF (-1,9%), KSV (-2,9%) và BAB (-0,7%).
Điểm sáng của thị trường trong phiên hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu sắt thép. Các mã HPG, HSG, KKC, NKG và VGS đều ghi nhận sắc xanh mạnh từ 5% - 6,5% nhờ diễn biến giá thép trong nước trong hôm nay tiếp tục tăng giá mạnh.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng ghi nhận mức tăng khá từ 2% - 3,6% như HCM, SSI, VCI, FTS, CTS, NVB, VCB, CTG, LPB…
Các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sản phẩm cao su, bất động sản, xây dựng… ghi nhận phiên phân hóa.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống tiếp tục có phiên điều chỉnh.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng 383,82 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó STB (204 tỷ) và HPG (159 tỷ) là hai mã được mua ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 15,93 tỷ đồng, trong đó IDC được mua ròng nhiều nhất với giá trị 7,5 tỷ.
Rủi ro vẫn tiềm ẩn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau phiên giảm điểm mạnh, chứng khoán ngày 8/2, VN-Index đóng phiên tạo nến Spinning top cùng thanh khoản sụt giảm cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư.
Xét về khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đang hướng xuống và chưa cho tín hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, tại khung đồ thị giờ, lực cầu liên tục xuất hiện quanh 1.065–1.070 cho thấy vùng điểm này hiện đang tạm thời là hỗ trợ mềm trong ngắn hạn của thị trường.
Thêm vào đó, chỉ báo RSI tại khung đồ thị này đã tạo đáy và có xu hướng tăng trở lại. Nếu tình hình được cải thiện tốt, khi đó MACD cũng sẽ tạo đáy 2 và cho phân kỳ dương báo hiệu cho nhịp phục hồi ngắn hạn. Tuy nhiên việc diễn biến của VN-Index tiếp tục nằm dưới MA20 cho thấy rủi ro vẫn tiềm ẩn và chưa thể khẳng định là VN-Index sẽ bước vào nhịp phục hồi dài hơi hơn.
Khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng đợi tín hiệu xác nhận nhịp phục hồi rõ ràng hơn thay vì giải ngân mở vị thế sớm.
Giảm tiếp xuống vùng 1.050-1.060
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường giằng co trong vùng 1.060-1.080 trước khi đóng cửa tại mốc 1.072,22 điểm, tăng nhẹ hơn 6 điểm với thanh khoản khiêm tốn. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 9/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành tài nguyên cơ bản đã lội dòng trở lại và dẫn đầu đà tăng trong phiên chứng khoán ngày hôm nay.
Thị trường tuy có sự hồi phục nhẹ nhưng kết phiên vẫn nằm dưới đường MA20, đồng thời cũng đã đóng cửa nằm ngoài mô hình tam giác hội tụ, cho thấy rủi ro trong ngắn hạn là lớn.
Trong những phiên chứng khoán ngày mai, thị trường có khả năng sẽ giảm tiếp xuống vùng 1.050-1.060, kỳ vọng sẽ có lực bắt đáy tại vùng này.
Nên bán hạ tỷ trọng
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày 8/2, VN-Index diễn biến giằng co trong phiên với các nhịp tăng giảm đan xen và hình thành mẫu nến spinning về cuối phiên.
Lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp cho chỉ số bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 106x, đồng thời giúp cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong phiên chứng khoán ngày mai vẫn đang có phần lấn át. Khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ tỷ trọng trading trong các nhịp hồi sớm.
Được quyết định bởi chỉ số quanh MA 20 ngày
Chứng khoán SSI (SSI)
Chứng khoán ngày hôm nay, thị trường chứng khoán tiếp tục biến động mạnh, tuy nhiên dòng tiền đẩy mạnh vào phiên chiều giúp chỉ số VN-Index đóng cửa phục hồi 6,38 điểm (+0,6%), lên 1.072,22 điểm.
Dự báo trong các phiên chứng khoán ngày tới, xu hướng của VN-Index sẽ được quyết định bởi phản ứng của chỉ số quanh MA 20 ngày (1.075 – 1.080 điểm). Nếu chinh phục trở lại khu vực kể trên, khả năng mở rộng đà hồi phục từ đáy ngắn hạn tháng 11 vẫn sẽ được duy trì với vùng mục tiêu gần là 1.090 – 1.100 điểm.
Ngược lại, chỉ số sẽ quay lại với pha giảm với vùng hỗ trợ đầu tiên là 1.050 điểm.
Tiếp đà giảm điểm trong ngắn hạn
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
VN-Index kết phiên với cây doji tăng điểm nhẹ phục hồi sau phiên giảm sâu với thanh khoản dưới mức trung bình, cho thấy vẫn chỉ là một phiên hồi phục không quá tích cực.
Trong phiên chứng khoán ngày hôm nay, chỉ số cũng ghi nhận mức điều chỉnh giảm trở lại về cuối phiên khi kiểm tra lại kênh tăng giá được hình thành từ việc nối 2 đáy của tháng 11 và tháng 12 năm ngoái đã bị phá vỡ ngày hôm qua.
Việc kênh tăng giá bị phá vỡ và VN-Index để mất vùng cân bằng tạm thời tiếp tục củng cố cho nhận định thị trường đang trong đà giảm điểm ngắn hạn.
Điều kiện để tham gia tích cực trở lại là chỉ số phải vượt tối thiểu mốc 1.095 điểm trở lên. Khi đó thị trường có thể kỳ vọng tiếp diễn đà hồi phục trước đó và mốc 1.125 điểm chưa phải là vùng đỉnh.
Xu hướng ngắn hạn hiện tại đang chuyển sang giảm điểm. Chiến lược giao dịch ngắn hạn là đứng ngoài quan sát thị trường và kiên nhẫn chờ tín hiệu giảm điều chỉnh kết thúc.