Chứng khoán tuần: Theo dự báo của công ty chứng khoán, dòng tiền đang có xu hướng luân chuyển qua các nhóm ngành và giao dịch trong biên độ rộng. VN-Index cần những phiên tích lũy trong biên độ hẹp để hình thành đáy ngắn hạn trong những phiên tới...
Sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh trong cuối tháng 9, VN-Index bắt đầu tuần đầu tiên của quý 4/2023 với nhiều biến động. Phiên giao dịch đầu quý có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Áp lực bán gia tăng mạnh trong 2 phiên sau đó khiến cho VN-Index thậm chí chạm vùng hỗ trợ mạnh tại 1.105 điểm, tương ứng vùng giá MA200 phiên.
Phiên giao dịch cuối tuần VN-Index tăng điểm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm 2,22% so với tuần trước, qua đó có 4 tuần liên tiếp giảm điểm từ vùng giá quanh 1.250 điểm về mức 1.128,54 điểm. HNX-Index cũng giảm 4 tuần liên tiếp với mức giảm 2,50% trong tuần đầu tháng 10/2023 về mức 230,45 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 73.303,24 tỷ đồng, giảm khá mạnh 21,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 19,80%, giảm khá nhanh so với các tuần trước, dưới mức trung bình.
Thanh khoản HNX giảm 17,3% với 8.740,16 tỷ đồng. Diễn biến trên thể hiện áp lực bán giảm dần trong tuần qua và thị trường phục hồi tốt ở vùng giá trung bình MA200 phiên ở mức quanh 1.105 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp, giá trị bán ròng giảm với 389,1 tỷ đồng; bán ròng trên HNX với giá trị 79,21 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực trong tuần qua khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,90%)... tuy nhiên mức độ phân hóa cũng cải thiện khi có nhiều mã đã phục hồi tốt, thu hút dòng tiền ngắn hạn như TCH (+2,16%), HHS (+1,75%), VHM (+1,21%), HDC (+0,65%)...
Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình với CTS (-9,34%), WSS (-5,80%), VCI (-5,45%), BSI (-4,88%)... ngoài một số mã tăng giá khi có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý 3 như BVS (+3,91%), SSI (+3,62%), PSI (+2,08%)...
Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi đa số tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD (+13,36%), VGC (+9,91%), TIP (+7,53%), GVR (+3,59%)... Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB (-9,92%), TPB (-5,88%), EIB (-5,01%), BID (-4,85%), TCB (-4,99%)... ngoài STB (+0,98%), BVB (+0,96%)..phục hồi.
Thận trọng giải ngân tại các phiên điều chỉnh
Chứng khoán SHS
Thị trường trong ngắn hạn đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới và nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể tham gia giải ngân tại các phiên điều chỉnh với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi nếu hình thành thì cũng chỉ mang tính kỹ thuật.
Trong trung, dài hạn thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Khuyến nghị các nhà đầu tư trung và dài hạn giải ngân trong giai đoạn vừa qua từ chân sóng, do đó nếu tuân thủ chiến lược giải ngân nhà đầu tư hoàn toàn đã cơ cấu được danh mục hợp lý.
Quan sát và đánh giá cung cầu khi thị trường hồi phục
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Mặc dù có trạng thái thận trọng trong phiên nhưng thị trường tiếp tục được hỗ trợ tại vùng MA200 của VN-Index và dần hồi phục trở lại. Thanh khoản tăng nhưng vẫn ở mức thấp, cho thấy áp lực bán giá thấp vẫn chưa quyết liệt, đặc biệt là động thái bán mạnh của khối ngoại trong phiên trước đã không tiếp diễn.
Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục quá trình hồi phục kỹ thuật trong thời gian gần tới. Tuy nhiên diễn biến có thể gặp khó khăn do dòng tiền nhìn chung vẫn chưa có cải thiện đáng kể và áp lực cản từ vùng 1.140 điểm vẫn còn hiện hữu.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá cung cầu khi thị trường hồi phục. Tạm thời vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Giảm vị thế ngắn hạn về mức an toàn
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Áp lực bán có phần suy yếu cùng lực cầu bắt đáy gia tăng về cuối phiên đã giúp cho chỉ số sớm hồi phục và để ngỏ cơ hội hình thành mẫu hình hai đáy nhỏ. Tín hiệu này gợi mở khả năng VN-Index sẽ quay lên vùng kháng cự đáng lưu ý quanh 1160 (+-10).
Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực rung lắc và quay đầu điều chỉnh trở lại sau đó.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi và ưu tiên việc giảm vị thế ngắn hạn về mức an toàn trong trường hợp VN-Index hồi phục sớm lên vùng kháng cự đã đề cập.
VN-Index cần những phiên tích lũy biên độ hẹp để tạo đáy ngắn hạn
Chứng khoán BIDV (BSC)
Dòng tiền đang có xu hướng luân chuyển qua các nhóm ngành và giao dịch trong biên độ rộng. VN-Index cần những phiên tích lũy trong biên độ hẹp để hình thành đáy ngắn hạn trong những phiên tới.
Kiên nhẫn chờ vùng hỗ trợ để có điểm mua an toàn
Chứng khoán Kiến Thiết
Mức hồi phục có thể kéo VN-Index tiến tới mốc kháng cự 1.145 – 1.150 điểm trong các phiên tuần sau. Và tại mốc này, Chứng khoán Kiến Thiết ưu tiên quan điểm chốt lời danh mục cổ phiếu đã mua thăm dò ở ngưỡng hỗ trợ 1.120 – 1.140 trong tuần trước.
Ở chiều hướng mua mới, Chứng khoán Kiến Thiết kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.081 – 1.096 điểm. Kiên nhẫn chờ vùng hỗ trợ để có điểm mua an toàn và ít rủi ro hơn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.