Với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2022 (3,16 tỷ USD), ngành hàng rau quả Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới.
Sầu riêng là một trong những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất
Kim ngạch xuất khẩu bật tăng
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022.
Nguyên nhân là do nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, xuất khẩu toàn ngành rau quả chịu ảnh hưởng nặng bởi chính sách Zero-Covid để phòng chống dịch của Trung Quốc, chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021.
Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài, trong đó, từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6-10 là ở miền Đông và Tây Nguyên nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, dù xuất khẩu sang Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, nhưng sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng. Đến nay sản lượng thu hoạch mới đạt trên 50%, hiện đang chủ yếu thu hoạch ở Đồng Nai, Lâm Đồng. Đến tháng 8, tháng 9 sẽ thu hoạch chính ở Tây Nguyên và cuối năm ở miền Tây.
Việt Nam hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc. Nếu được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Kỳ vọng thiết lập kỷ lục mới
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2023, ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường.
Trong 2 quý cuối năm, sẽ có khoảng gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả có thể cán đích sớm 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ngày càng thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Song, theo ông Nguyên, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra. Kỳ vọng xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục mới xuất phát từ nhiều yếu tố:
- Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay
- Sản xuất, diện tích cây ăn quả lâu năm năm 2021 đã đạt trên 645.000 ha, tăng trên 24,2%, hay tăng 126.000 ha so với năm 2015. Trong đó, những cây trồng có diện tích khá lớn và tăng khá cao gồm xoài đạt 113.900 ha, tăng 36,1%, hay tăng 30.200 ha; cam quýt đạt 111.800 ha, cao gấp hơn 2 lần, hay tăng trên 56.000 ha…
- Sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
- Mỹ và Liên minh châu Âu được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng bơ nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu...
- Ngoài ra, sản phẩm rau quả chế biến cũng đón những tín hiệu thị trường tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 550 triệu triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Làm gì để tận dụng hiệu quả các cơ hội?
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quy hoạch vùng tập trung để dễ thu hoạch, chứng minh xuất xứ, xử lý bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm...
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết hiện nay, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy nên hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch.
Để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng được thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có.
Địa phương, doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.
Ngoài ra, cần tập trung phát triển bền vững là tăng tỷ trọng rau quả chế biến lên cao hơn nữa. Điều này không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Theo đó, nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU. Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu.
Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu với nhiều cơ hội rộng mở.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn xuất khẩu đi các thị trường lớn, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường Mỹ, EU. Nông sản Việt ngoài đảm bảo chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa.