Với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Thị trường RCEP chiếm hơn 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm.
Giá trung bình xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng qua tăng tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 triệu USD/tấn.
Gạo Việt chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), đạt 4,24 triệu tấn, tương đương 2,25 tỷ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá.
Trong số các thị trường thuộc RCEP, Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38.8% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,35 triệu tấn, tương đương 1,23 tỷ, tăng 2,6% về lượng và tăng 15,6% về trị giá.
Tiếp sau là thị trường Trung Quốc, chiếm 13,5% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch, đạt 786.000 tấn, tương đương 452,08 triệu USD, tăng mạnh 51% về lượng và tăng 67,9% trị giá.
Đứng thứ 3 là thị trường Indonesia đạt 718.000 tấn, trị giá 361,25 triệu USD, tăng 1.459% về lượng và tăng 1.506% trị giá.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường CPTPP đạt 399.994 tấn, tương đương 212,54 triệu USD, tăng 6% về lượng, tăng 14,8 trị giá.
Xuất khẩu gạo sang Chile tăng đột biến 27,1 lần
Cùng với đó, nhiều quốc gia khác lại đang tích cực nhập khẩu với mức tăng trưởng đột biến, trong đó phải kể đến quốc gia Nam Mỹ - Chile.
Cụ thể, xuất khẩu gạo Việt sang Chile trong 8 tháng đầu năm đạt 7.123 tấn với kim ngạch đạt 3,3 triệu USD, tăng 4.114% về lượng và tăng hơn 2.708% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 462 USD/tấn, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tháng 8/2023, nước này nhập khẩu 54 tấn, trị giá 46.092 USD. Trong khi đó, tháng 8/2022, Chile không nhập bất cứ một đơn hàng nào từ Việt Nam. Điều này cho thấy, quốc gia châu Mỹ đang ngày càng quan tâm đến gạo Việt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước hàng đầu như Ấn Độ đang tăng cường cấm xuất khẩu.
Với 7.123 tấn gạo, xuất khẩu gạo sang Chile tăng gấp 27,1 lần so với tổng lượng cả năm 2022. Trong năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang Chile chỉ ở mức rất khiêm tốn. Tổng kết cả năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Chile chỉ đạt 262 tấn, trị giá 192.035 USD. Xét về tỉ trọng, thị trường này chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng sản lượng xuất khẩu của gạo Việt.
Việt Nam và Chile có Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và cả hai đều nước là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với lợi thế này, trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của hai nước gia tăng đáng kể. Việt Nam có thế mạnh trong việc xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…
Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, nguyên vật liệu cho ngành dệt may...
Thị trường Chile vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam do đây là thị trường mở, thuế nhập khẩu trung bình xếp vào loại trung bình thấp của thế giới, dưới 2%. Dự báo đây sẽ tiếp tục là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.
Dự kiến xuất khẩu gạo năm nay đạt trên 7,5 triệu tấn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nóng lên từng ngày từ nửa cuối tháng 7/2023, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, cùng với đó là hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực và Nga đã rút khỏi Thảo thuận ngũ cốc Biển Đen,…
Từ cuối tháng 8, thị trường gạo lại có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ.
Trước diễn biến giá gạo nhiều biến động như hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo cũng như tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).
Để làm được điều này doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt là hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tham khảo thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.
Doanh nghiệp phải tuyệt đối tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác. Cùng với đó, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép cấp, ép giá.” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Tính đến 17/8/2023, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân...
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh..