Với dữ liệu từ Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), biểu đồ thông tin dưới đây tổng hợp những vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2001…
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, số lượng các ngân hàng phải đối mặt với thất bại có xu hướng tăng lên đáng kể. Điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 đã khiến cho hàng loạt ngân hàng rơi vào cảnh sụp đổ. Theo đó, thị trường phải chịu sức ép từ tình trạng đói tín dụng, sụt giá chứng khoán, bong bóng bất động sản và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở nhiều nước phương Tây.
Cũng tại thời điểm đó, vụ phá sản được nhắc đến nhiều nhất là ngân hàng Washington Mutual với số tài sản bị "bốc hơi" lên tới 307 tỷ USD.
Và trong tháng này, thị trường tài chính nước Mỹ đã bị rúng động trước ba vụ sụp đổ ngân hàng có tiếng, bao gồm Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank (SVB). Trong đó, sự cố SVB được đánh giá là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử hiện đại nước Mỹ. Danh sách 20 vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ (2001 đến 2023).
Cả Silvergate và Signature đều là hai trong số các ngân hàng thân thiện nhất với lĩnh vực tiền điện tử và SVB là ngân hàng lớn trong ngành khởi nghiệp công nghệ. Trong suốt thời gian đại dịch, ngân hàng nhận được nguồn tiền gửi dồi dào từ các công ty startup và các nhà đầu tư mạo hiểm, tăng vọt tới 100%. Điều này đã thúc đẩy ngân hàng sử dụng số tiền cho đầu tư trái phiếu dài hạn khi lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Nhưng khi lãi suất tăng cao hơn và giá trái phiếu giảm, SVB bắt đầu chịu mức lỗ nặng nề khi nắm giữ nhiều trái phiếu dài hạn.
Mặc dù cả hai ngân hàng SVB và Signature đều không có tên trong danh sách các ngân hàng quan trọng trong hệ thống của Ủy ban ổn định tài chính, nhưng các cơ quan quản lý đã không do dự mà hành động ngay lập tức. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ rất nghiêm túc trong việc ngăn chặn bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào trong tương lai.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi các thị trường tin tưởng vào khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng, lưu ý rằng các cơ quan quản lý có công cụ thích hợp để đối phó với vấn đề. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu khác cũng trấn an người dân rằng cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ được ngăn chặn.
Trong một động thái phối hợp, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Kho bạc Mỹ và FDIC đã cùng nhau thực hiện các biện pháp khẩn cấp để cho phép tất cả những người gửi tiền tại Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature tiếp cận với tiền của họ vào ngày 13/3.
Trong khi đó, vào cuối tuần trước, chương trình đấu giá đầu tiên cho Ngân hàng SVB đã kết thúc mà không có người mua. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Ngân hàng Hoàng gia Canada nằm trong số các ngân hàng ban đầu thể hiện sự quan tâm nhưng đã rút lui sau khi tiến hành thẩm định. Một cuộc đấu giá thứ hai hiện đang được lên kế hoạch.