Lan tỏa những giá trị tích cực, khơi dậy tính nhân văn, lòng yêu thương và niềm hy vọng trong xã hội là cách DRD Việt Nam triển khai các dự án truyền thông hiệu quả với chi phí thấp.
Khiếm khuyết một phần thân thể là điều khiến nhiều người khuyết tật cảm thấy tự ti, mặc cảm, từ đó trở nên xa cách và khó hòa nhập trong xã hội. Tuy nhiên, dưới con mắt của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD Việt Nam), đó là những vẻ đẹp thật đặc biệt.
Dựa trên góc nhìn này, nhân dịp Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) 2023, DRD Việt Nam đã phối hợp với nhiếp ảnh gia Nhi Ngờ, cho ra đời bộ ảnh mang tên Disabeauty (ghép giữa từ disability – khuyết tật với cụm từ this is a beauty – đây là một vẻ đẹp).
20 hình ảnh Disabeauty là 20 câu chuyện, về 20 cuộc đời khác nhau của 20 người khuyết tật. Điểm chung là họ là dù không lành lặn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt nhưng đều thể hiện ra được sự tự tin, yêu đời, sẵn sàng vươn lên trong cuộc sống để đóng góp nhiều điều tích cực cho xã hội.
Nhờ thông điệp đầy ý nghĩa ấy, bộ ảnh Disabeuty nhanh chóng trở nên “vira” (lan truyền nhanh trên các kênh thông tin), đem lại hiệu quả cao trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật.
Đó là cũng là cách DRD Việt Nam vận hành các chiến dịch truyền thông tạo tác động, hướng tới xóa bỏ rào cản và nâng cao năng lực của người khuyết tật, thông qua việc truyền tải những giá trị đẹp và nhân văn.
Cái khó ló cái khôn
Chị Trần Thúy Quỳnh Ngân, Quản lý truyền thông DRD Việt Nam, cho biết, các tổ chức phi lợi nhuận, như nơi chị đang công tác, thường hoạt động dựa vào nguồn ngân sách đến từ tài trợ.
Nhà tài trợ mong muốn số tiền đóng góp sẽ được sử dụng tối đa cho các hoạt động trực tiếp hỗ trợ cộng đồng, xã hội thay vì hoạt động truyền thông, quảng bá. Bởi vậy, nguồn ngân sách cho truyền thông của các tổ chức phi lợi nhuận thường không ở mức cao.
Tuy nhiên, chị Ngân cho biết, hoạt động truyền thông là rất cần thiết đối với một tổ chức phi lợi nhuận và càng cần thiết hơn đối với một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật. Bởi lẽ, những vấn đề người khuyết tật đang gặp phải không chỉ đến từ cá nhân họ mà còn đến từ nhận thức của xã hội.
Làm sao để xây dựng một chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả cao nhưng với chi phí thấp, thậm chí là “0 đồng” là câu hỏi lớn đặt ra cho chị Ngân cùng toàn thể đội ngũ DRD Việt Nam nói riêng và các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng nói chung.
Giải bài toán này, chị Ngân cho biết, DRD Việt Nam áp dụng nguyên tắc phát triển dựa vào cộng đồng (ABCD - Asset-based Community Development). Cụ thể, đội ngũ truyền thông của tổ chức sẽ cố gắng lồng ghép các vấn đề của người khuyết tật vào dự án của các cá nhân, tổ chức khác đang triển khai.
Chẳng hạn như sự kiện Đời rất đỏ (lấy ý tưởng từ tên viết tắt DRD) được tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12) 2023, do DRD Việt Nam và tổ chức Sunbox phối hợp thực hiện, dưới dạng một cuộc thi kể chuyện dành cho những người khuyết tật.
Trái ngược với suy nghĩ phổ biến rằng khuyết tật là kém may mắn, tham gia vào Đời rất đỏ, hàng trăm người khuyết tật đã kể lại câu chuyện với góc nhìn lạc quan, yêu đời, luôn trân quý cuộc sống, biết ơn gia đình, bạn bè cùng các tổ chức xã hội như DRD Việt Nam đã không ngừng sát cánh, động viên.
Nguồn năng lượng tích cực giúp những câu chuyện của Đời rất đỏ, giống như bộ ảnh Disabeaty, có tính lan truyền tốt. Từ đó, không chỉ góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, dự án của DRD Việt Nam còn giúp chính những người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống.
Truyền thông từ những điều nhỏ nhất
Chi phí hoạt động thấp nhưng gánh trên vai sứ mệnh cao cả, một trong những điều chị Ngân cùng đội ngũ DRD tâm niệm là phải luôn lan tỏa giá trị tích cực, thông qua những điều nhỏ nhất.
Đơn cử như các thành viên của DRD Việt Nam không bao giờ sử dụng “cộng đồng người khuyết tật”. Bởi lẽ, cụm từ đó dù có vẻ rất bình thường và phổ biến nhưng lại mang hàm ý nhóm người khuyết tật thành một tập thể riêng và đối xử một cách đặt biệt.
Điều này trái với mong muốn của DRD Việt Nam và đông đảo người khuyết tật là hòa nhập vào xã hội một cách bình đẳng, không có sự phân biệt.
Hay như logo của DRD Việt Nam là chữ DRD được cách điệu thành hình một khuôn mặt đang tươi cười. Chị Ngân lý giải, thương hiệu của DRD nhận được rất nhiều tình yêu thương, trân trọng từ những người hưởng lợi, đối tác cho tới các bên liên quan.
Từ tình yêu thương ấy, từ tinh thần và văn hóa của DRD Việt Nam, cần phải có một “chân dung” tương xứng, thể hiện được sự tích cực. Đó chính là lý do chị Ngân cùng đội ngũ quyết định thay đổi chiếc logo có tuổi đời 17 năm bằng “khuôn mặt cười” như hiện tại.
Những chi tiết nhỏ bé đó tạo ra một tinh thần vui tươi, tràn đầy cảm hứng cho DRD Việt Nam, cho những đối tác, những người khuyết tật và cả những nhân sự đang làm việc trong tổ chức này.
Chính tinh thần ấy là nguồn lực vô tận giúp chị Ngân và các đồng lực tiếp tục sáng tạo thêm nhiều chiến dịch truyền thông hiệu quả với chi phí thấp, từng bước đưa hình ảnh người khuyết tật tới gần hơn với đông đảo công chúng, giúp thay đổi nhận thức, tạo ra một xã hội nơi người khuyết tật có thể tự tin hòa nhập và phát huy năng lực.
Bộ ảnh Disabeauty:
Chuỗi nội dung Mở đường dẫn lối mùa hai được Dear Our Community hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered sản xuất, dưới sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí điện tử Nhà quản trị (TheLEADER).
Chương trình sẽ đưa khán giả tới thăm các văn phòng, công ty, nơi làm việc của những vị khách mời đến từ một số tổ chức, doanh nghiệp như Heineken, Sanofi, De Heus... để tìm hiểu cách thực hành, giải quyết các vấn đề hướng đến sự bền vững tại doanh nghiệp.
Theo dõi chương trình Mở đường dẫn lối mùa hai tại:
https://www.youtube.com/c/DearOurCommunity
https://open.spotify.com/show/1g41BCHf4eZJ9KkPLnzsHC?si=80d8553f569b4aca&nd=1&dlsi=e9d7201d30334116
https://podcasts.apple.com/us/podcast/dear-our-community/id1531086662
Phạm Sơn