Chính thức ban hành quy định về thực hiện bình ổn giá

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá.
bình ổn giá
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định về thực hiện bình ổn giá

Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá, trong đó, Nghị định quy định cụ thể về việc thực hiện bình ổn giá.

Bình ổn giá theo khoản 1 Điều 20 Luật Giá

Nghị định quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện bình ổn giá theo khoản 1 Điều 20 Luật Giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá theo nội dung và trình tự sau:

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá khi đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân và sự cần thiết phải bình ổn giá thì tiến hành xây dựng báo cáo bình ổn giá, kèm theo văn bản đề nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

Trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, trong thời gian tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin quy định ở trên, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các thông tin khác phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương bình ổn giá. Thời hạn để các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin trong thời gian tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Tài chính.

Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá, phân công trách nhiệm chủ trì cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ tổ chức thực hiện bình ổn giá, phân công trách nhiệm phối hợp cho các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan. Thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện bình ổn giá thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá phù hợp.

Thực hiện bình ổn giá theo khoản 2 Điều 20 của Luật Giá

Nghị định số 85/2024/NĐ-CP cũng quy định việc tổ chức thực hiện bình ổn giá theo khoản 2 Điều 20 của Luật Giá.

Bình ổn giá trên phạm vi cả nước:

Trường hợp hàng hóa dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ; xây dựng báo cáo bình ổn giá, kèm theo văn bản đề nghị bình ổn giá gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp và phân công tổ chức thực hiện. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo các thông tin khác phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ không nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhưng cần bình ổn giá ngay theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Giá, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ; xây dựng báo cáo bình ổn giá, kèm theo văn bản đề nghị bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá. Trên cơ sở phê duyệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo phân công của Chính phủ.

Căn cứ tình hình thực hiện bình ổn giá, đánh giá diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ trong thực tế, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thể đề xuất kết thúc bình ổn giá trước thời hạn hoặc gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá hoặc gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với hàng hóa, dịch vụ không nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Bình ổn giá tại phạm vi địa phương

Áp dụng trong trường hợp mặt bằng giá thị trường hàng hóa dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá có biến động bất thường tại địa phương theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 của Luật Giá:

Sở quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để xây dựng báo cáo bình ổn giá, kèm theo văn bản đề nghị bình ổn giá gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp và phân công tổ chức thực hiện. Trường hợp cần thiết, Sở Tài chính yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo các thông tin khác phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Chính phủ về kết quả bình ổn giá, đồng thời gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định.

Căn cứ tình hình thực hiện, đánh giá diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ trong thực tế, Sở quản lý ngành, lĩnh vực có thể đề xuất kết thúc bình ổn giá trước thời hạn hoặc gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá gửi Sở Tài chính tổng hợp để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Văn bản điều chỉnh thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là văn bản hành chính.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm chấp hành biện pháp bình ổn giá được công bố và thực hiện kê khai lần đầu, kê khai lại mức giá hàng hóa, dịch vụ đang thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này kể từ ngày biện pháp bình ổn giá được áp dụng.

Biện pháp bình ổn giá từ ngày 01/7/2024

Theo khoản 1 Điều 19 Luật Giá 2023, sẽ có 05 biện pháp bình ổn giá bao gồm:

(1) Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;

(2) Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

(3) Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương IV Luật Giá 2023;

(4) Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

(5) Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.

Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; quy định về quản lý, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ.

Bảo đảm cuộc sống cho người hết tuổi lao động

Bảo đảm cuộc sống cho người hết tuổi lao động

Cùng với việc mức lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng được điều chỉnh tăng 15%. Đây là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm ổn định đời sống người nghỉ hưu.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.