Những thay đổi trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới đây nhấn mạnh vai trò quan trọng của an sinh xã hội trong nỗ lực hài hoà phát triển kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội.
Việt Nam mới đây đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7 năm sau.
So với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều thay đổi như mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân.
Cùng với đó, luật mới cũng sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, đánh giá, những nỗ lực liên tục để sửa đổi Luật BHXH thể hiện cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan ở Việt Nam đối với việc tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
“ILO vinh dự được trao cơ hội cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình sửa đổi này và tiếp tục cam kết đồng hành và hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong triển khai hiệu quả luật sửa đổi”, bà cho biết thêm.
Các sửa đổi đánh dấu những bước tiến quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn của Việt Nam về hệ thống BHXH.
Đồng thời, những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), phù hợp với các Tiêu chuẩn lao động quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Việc tập trung vào cách tiếp cận toàn diện và tích hợp đảm bảo rằng hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam có thể giải quyết các thách thức hiện nay từ quá trình chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
Cụ thể, trước hết, luật sửa đổi thúc đẩy việc tạo ra một hệ thống hưu trí đa tầng, hình thành một loại lương hưu “liên kết tầng” cho người lao động có thời gian đóng góp ngắn hơn.
Hệ thống BHXH đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Bên cạnh đó, diện bao phủ về hưu trí dự kiến sẽ tăng đáng kể, vì thời gian đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu được giảm từ 20 năm xuống 15 năm và tuổi hưởng lương hưu không đóng góp giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.
Ngoài ra, ILO đánh giá, luật sửa đổi giải quyết triệt để tình trạng rút BHXH một lần đối với hầu hết người lao động tham gia BHXH sau khi luật có hiệu lực. Điều này giải quyết một trong những thách thức chính đối với việc mở rộng diện bao phủ BHXH trong cả nước.
Không chỉ vậy, luật sửa đổi mở rộng diện bao phủ pháp lý của hệ thống BHXH bắt buộc cho các nhóm người lao động mới, bao gồm chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người lao động thời vụ và người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương.
Chính phủ ước tính khoảng 3 triệu người lao động sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Theo ILO, luật sửa đổi dự kiến sẽ đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ trên cả nước, đồng thời, củng cố các chế độ hiện có cho người lao động.
Luật cũng sẽ góp phần vào những nỗ lực hiện nay của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ lao động phi chính thức sang lao động chính thức bằng cách mở rộng diện bao phủ BHXH cho người lao động thuộc “nhóm lao động trung gian thiếu chính sách” và mang đến những tác động bình đẳng giới tích cực và bền vững đến cho hệ thống.
“Những thay đổi trong luật sửa đổi là một thành tựu quan trọng đối với Việt Nam và là kết quả của một quá trình dài”, ông André Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của ILO tại Việt Nam, cho biết.
Theo ông, những sửa đổi này còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của an sinh xã hội trong nỗ lực hài hoà phát triển kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội của Việt Nam.
“Chỉ có đầu tư cân bằng cho cả tăng trưởng kinh tế và các chính sách xã hội mới có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và bao phủ an sinh xã hội toàn dân”, vị này nhấn mạnh.
Người đóng bảo hiểm xã hội sau 1/7/2025 không được rút một lần
Phương Anh