Bảo đảm cuộc sống cho người hết tuổi lao động

Cùng với việc mức lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng được điều chỉnh tăng 15%. Đây là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm ổn định đời sống người nghỉ hưu.

Mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế

Ông Vũ Văn Thái (67 tuổi, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) không giấu nổi niềm vui khi được tăng lương đến hai lần trong hai năm qua. “Từ ngày 1/7/2023, tôi đã được tăng lương hưu 12,5%. Bây giờ lại được tăng tiếp 15% khiến tôi rất vui”, ông Thái chia sẻ. Hiện tại, mức lương hưu của ông Thái là 4.162.000 đồng/tháng, dự kiến sau ngày 1/7/2024, lương hưu sẽ tăng lên gần 4.800.000 đồng/tháng.

Ông Thái cũng như nhiều người cao tuổi sống ở nông thôn, sức khỏe không thể đảm đương được công việc nông nghiệp nên chủ yếu trông chờ vào lương hưu. “Lứa tuổi chúng tôi, con cái thường đi làm ăn xa nên vẫn phải phụ giúp trông nom, nuôi dưỡng các cháu. Đồng lương hưu vì thế cơ bản vẫn khó khăn vì chi tiêu cho sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Bên cạnh đó, tôi mắc bệnh mãn tính nên hằng tháng phải chi ngót nghét 800 nghìn đồng tiền thuốc nữa. Chưa kể, có rất nhiều hoạt động làng xã, họ hàng… chúng tôi phải chi. Số tiền được tăng thêm khiến tôi đỡ lo lắng hơn, kể cả khi thực phẩm tăng giá cũng không phải nhờ vả nhiều đến con cái”.

Nếu tăng 15% từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu của bà Nguyễn Thị Luyến (62 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sẽ tăng lên 4,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, bà Luyến cho biết, sắp tới sẽ phụ giúp con trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh hằng tháng. “Tôi sống cùng con trai nhưng cháu không có công việc ổn định và mới thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Dù mức tăng lương hưu của tôi chưa cao nhưng tôi có thể phụ giúp thêm được con cháu!”. Với bà Luyến, khoản chi tiêu đáng bận tâm nhất là tiền thuốc của hai vợ chồng ở tuổi xế chiều. “Cả hai vợ chồng tôi đều phải uống thuốc huyết áp và tiểu đường hằng ngày, nhưng rất may, chúng tôi đều có thẻ bảo hiểm y tế nên nếu có phải vào bệnh viện điều trị cũng đỡ lo lắng hơn”, bà Luyến nói.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này bảo đảm công bằng, hài hòa, hợp lý.

Cụ thể: Mức tăng lương hưu 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động. Theo Điều 57 Luật BHXH hiện hành quy định: “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH”. Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng đạt mức hơn 6% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4%. Mức điều chỉnh tăng lương hưu 15% lần này cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần). Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95%.

Bảo đảm cuộc sống cho người hết tuổi lao động ảnh 1

Người về hưu được chăm sóc sức khỏe theo chế độ bảo hiểm y tế. Ảnh: MINH TÂM

Quyết tâm cải cách chính sách BHXH

Mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH. Tỷ lệ tăng này bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng BHXH, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng được tăng 15% lần này, bao gồm tất cả những người đang hưởng lương hưu qua các thời kỳ, không phân biệt người làm trong khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia BHXH tự nguyện... Với mức điều chỉnh như vậy, Quỹ BHXH tuy còn khó khăn nhưng vẫn bảo đảm cân đối trong dài hạn.

Mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với lộ trình điều chỉnh tiền lương giữa các khu vực, bảo đảm hài hòa, công bằng giữa người hưởng lương khu vực nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, người hưởng lương hưu với người lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Trong điều kiện doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dự kiến mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2024.

Với mức điều chỉnh lương hưu lần này, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu”.

Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, người thụ hưởng hiện rất vui mừng, phấn khởi. Về hưu đã 20 năm, ông Nguyễn Quang Bách (80 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mỗi kỳ điều chỉnh lương hưu, mức tăng các nhóm đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều”.

BHXH Việt Nam là cơ quan được giao tổ chức thực hiện chính sách BHXH đã luôn chủ động, sẵn sàng ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp, lên các phương án cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin… nhằm bảo đảm tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác, an toàn hiệu quả. Cơ quan BHXH cũng luôn tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm các tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn quốc có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; năm 2030 con số này là 60%.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.