Việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chưa rõ ràng...
Việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ là chưa rõ ràng. Ảnh minh họa
Mới đây, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có văn bản báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo lần này cơ bản đã thể chế hóa những chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân, Ban Thường trực nhận thấy hiện vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18, đặc biệt là vấn đề người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Cần cụ thể hóa vấn đề
Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc cho rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra quan điểm thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.
Đồng thời, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đây là quy định hết sức nhân văn, dự thảo Luật đã cụ thể hóa quan điểm này tại điểm a khoản 4 Điều 85 về Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và Điều 89 về Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo đó, “Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” tại điểm a khoản 4 Điều 85 và “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” ở khoản 2 Điều 89.
Tuy nhiên cả 2 vấn đề đều chưa thực sự rõ ràng, cụ thể trong dự thảo. Điểm 2 khoản 4 Điều 85 là chưa đủ để thể chế hết quan điểm tại Nghị quyết, cần cụ thể hóa hơn nữa trong luật đến việc triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư như chi trả tiền bồi thường, bố trí tái định cư xong… sau đó mới ban hành quyết định thu hồi đất.
Còn Điều 3 dự thảo Luật không giải thích khái niệm thế nào là “có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Dự thảo cũng không đưa ra tiêu chí hay phương thức đối sánh trước khi bồi thường và sau khi bồi thường để định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không.
“Còn khoản 2 Điều 89 gần như diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc bổ sung, cụ thể hóa nguyên tắc đề cập tại khoản 2 Điều 89 của dự thảo”, Ban Thường vụ yêu cầu.
Cụ thể, Ban Thường vụ đưa ra các vấn đề cần bổ sung, một là giải thích rõ hiểu thế nào là người bị thu hồi đất sau khi được bồi thường có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Hai là, bổ sung quy định về một số tiêu chí đánh giá cụ thể, mang tính định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người có đất bị thu hồi. Dự thảo nên cân nhắc các khía cạnh về cơ sở hạ tầng, điều kiện ổn định cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Sửa đổi phải quan tâm đến quyền của người sử dụng đất
Đồng ý kiến với Ban Thường vụ, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi tại tọa đàm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, khi Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng, nên quan tâm hơn nữa quyền của người sử dụng đất như quyền được bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
Do đó, trong quy trình thu hồi phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi.
Ngoài ra, cần công bố, công khai, cụ thể nội dung triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công khai giá đất, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, phương pháp tính giá khi Nhà nước thu hồi đất trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất sẽ là cơ hội để chỉnh trang đô thị, tăng giá trị đầu tư cho dự án. Người có đất bị thu hồi có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Họ có thể là nhà đầu tư cho dự án bằng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo khoản 23, Điều 3 của Dự thảo Luật Đất đai mới để sản xuất kinh doanh.
Theo đó, lợi nhuận thu được trong sản xuất kinh doanh sẽ được chia theo tỷ lệ vốn góp bằng quyền sử dụng đất.
Vì vậy, việc duy trì khoản thu nhập đều đặn cho người có đất bị thu hồi sẽ hạn chế được tình trạng người dân nhận tiền bồi thường một lần để đầu tư sắm sửa nhà cửa, phương tiện giao thông… mà không tái đầu tư sản xuất kinh doanh dẫn đến hậu quả người nông dân vẫn lâm vào vòng xoay của sự đói nghèo.
"Việc chia lợi nhuận sẽ là giải pháp phát triển bền vững cho người nông dân khi có đất bị thu hồi, Nhà nước triển khai được dự án, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây chính là công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực khi Nhà nước thu hồi đất", PGS.TS Doãn Hồng Nhung nói.