Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh

Với tỷ lệ biểu quyết tán thành chiếm 94,25%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng nay (25/6), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (gọi tắt là Vương quốc Anh).

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, sáng 8/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh theo Tờ trình số 02/TTr-CTN ngày 8/5/2024 của Chủ tịch nước. 

Theo đó, về thẩm quyền phê chuẩn và trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Văn kiện, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh là một phần không tách rời của Hiệp định CPTPP, có nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định CPTPP thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội. Trình tự, thủ tục và hồ sơ trình phê chuẩn Văn kiện tuân thủ đúng các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Điều ước quốc tế.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh

Về sự cần thiết phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn, thời điểm Quốc hội phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7, khóa XV và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, đồng thời cho rằng: Vương quốc Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, cao hơn so với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với Việt Nam. Trong khuôn khổ gia nhập Hiệp định CPTPP, Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.

Việc Quốc hội khóa XV phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Văn kiện, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu một số nội dung mà đại biểu quan tâm.

Đối với một số ý kiến đề nghị thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện, Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Văn kiện, trong đó đã bao gồm nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để đảm bảo việc thực hiện Văn kiện một cách đầy đủ và có hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung tại Kế hoạch thực hiện Văn kiện nội dung tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA.

Đối với ý kiến đề nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật cần thiết của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thực thi các cam kết, đảm bảo triển khai đầy đủ, hiệu quả Văn kiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Báo cáo thuyết minh và dự thảo kế hoạch thực hiện Văn kiện gửi Quốc hội, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành có liên quan tiến hành ngay việc rà soát, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi các cam kết của Việt Nam đối với Vương quốc Anh. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện các cam kết đúng thời hạn, các văn bản pháp luật này sẽ được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.  

Đại biểu Quốc hội

Cập nhật thông tin về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 và khả năng sẽ có đủ 6 thành viên của CPTPP hoàn tất thủ tục phê chuẩn trước ngày 16/10/2024 thì Văn kiện sẽ sớm có hiệu lực (từ ngày 16/12/2024).

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh sửa Kế hoạch, xác định cụ thể thời gian hoàn thành các nội dung công việc về xây dựng pháp luật, thể chế để kịp thời triển khai thực hiện khi Văn kiện có Hiệu lực.

Tiếp thu những ý kiến, giải pháp mà các vị đại biểu Quốc hội đã nêu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát huy lợi thế của Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội khi Văn kiện có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các nội dung này trong Kế hoạch thực hiện Văn kiện. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, căn cứ vào các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết
Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến. hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,25%).

Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh với tỷ lệ tán thành cao.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết

Tin liên quan

Sớm mở cửa thị trường Trung Quốc cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi của Việt Nam

Sớm mở cửa thị trường Trung Quốc cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi của Việt Nam

Chiều 24/6, tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc.
Xem xét phương án huy động vốn mới cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Xem xét phương án huy động vốn mới cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Để đảm bảo tính khả thi về huy động vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án theo phương thức PPP.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.