Kinh tế 2024 còn khó khăn

Những khó khăn với tăng trưởng kinh tế năm 2023 gần như vẫn chuyển tiếp, kéo dài sang năm 2024.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ước đạt 5,19%. Con số này mặc dù cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam đã không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% và thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế trong nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp sản xuất đang đối diện những thách thức rất lớn. Khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hiện đại. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã rơi vào tình cảnh đóng băng từ cuối năm 2022 do vướng mắc pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp. Thị trường thừa sản phẩm ở những phân khúc cao, thiếu hàng ở phân khúc thấp.

Tương tự, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng hoạt động trầm lắng. Trong 9 tháng năm 2023 chỉ có 51 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ 2022.

Kinh tế 2024 còn khó khăn

Nguyên nhân của thực trạng này trước hết đến từ những yếu tố khách quan bên ngoài như địa chính trị thế giới phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm và lạm phát toàn cầu gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hoá trong nước.

Trong nước, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế còn chậm, còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất của một số quy định pháp luật.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính còn chậm, chưa kịp thời, dẫn đến tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số hỗ trợ của Nhà nước chưa được triển khai kịp thời. Sau 2 năm dịch Covid-19, nguồn lực của Nhà nước cũng bị ảnh hưởng nên việc thực hiện chính sách hỗ trợ không thể đột phá. Nhiều chính sách có nhưng cũng khó triển khai kịp thời do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong khi đó, các chủ thể kinh tế trong nước đã yếu đi rất nhiều sau Covid - 19. Năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui thị trường tăng mạnh. Có những thời điểm như tháng 1/2023, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có 169 doanh nghiệp rút lui thị trường.

Quan trọng hơn, theo ông Thọ, những khó khăn, vướng mắc của kinh tế năm 2023 gần như vẫn chuyển tiếp, kéo dài sang năm 2024.

Theo đó, bối cảnh thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường.

Tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 dự báo sẽ giảm nhẹ. 3 trong số 5 nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng giảm là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này khả năng sẽ tiếp tục ảnh hướng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo ở mức cao 5,8%, thậm chí cao hơn năm 2023 (5,2%). Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ vẫn khó khăn, đòi hỏi linh hoạt hơn.

Việc kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng của Việt Nam là một nền kinh tế mở, chịu ảnh hưởng lớn từ bối cảnh kinh tế toàn cầu.

Kinh tế 2024 còn khó khăn 2

Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam năm 2023, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Hồng Minh cũng cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế song hậu quả đại dịch để lại vẫn rất nặng nề, đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Mặt khác, căng thẳng về địa chính trị và tăng cường rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến sản xuất xanh cũng sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo.

Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn để có thể vượt qua những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế cũng như những khó khăn khách quan từ kinh tế thế giới và bối cảnh phức tạp của địa chính trị toàn cầu.

Khó khăn, thách thức là rất lớn, tuy nhiên, theo ông Thọ, những tín hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu xuất hiện.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Ước tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III là 5,23%; quý II là 4,05% và quý I là 3,28%.

Cùng với đó, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô theo chiều hướng tích cực là giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kiểm soát lạm phát. Về đầu tư công, tính chung 11 tháng, cả nước đã giải ngân 461 nghìn tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 11 tháng ước đạt 28,8 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Việt Nam cũng kiểm soát tốt lạm phát. Dự kiến, lạm phát năm ở mức 3,5%, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%.

Trong thời gian vừa qua, sự hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn được Chính phủ chú trọng thực hiện. Một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục.

Bên cạnh đó, việc kinh tế tăng trưởng ổn định trong thời gian dài vừa qua cũng sẽ góp phần tạo đà và lực cho việc phục hồi thuận lợi hơn trong năm 2024.

Tin liên quan

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị loạt cổ phiếu dầu khí tiềm năng, dự báo giá dầu tiếp tục leo thang

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị loạt cổ phiếu dầu khí tiềm năng, dự báo giá dầu tiếp tục leo thang

Những cổ phiếu như PVD, PVS có sự phát triển tốt trong trung hạn. Thời gian tới, kết quả kinh doanh quý 4/2023 và quý 1/2024 của những doanh nghiệp này sẽ tạo ra những con số ấn tượng. Nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu như vậy, thì mức độ đầu tư trung và dài hạn an toàn hơn...

Quy định 'trần' tổng chi phí lãi vay là không hợp tình hợp lý

Quy định 'trần' tổng chi phí lãi vay là không hợp tình hợp lý

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ban hành Công văn đề nghị khẩn trương sửa đổi khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng không quy định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết…

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.