Vì sao Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?

Tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới Orsted đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Vì sao Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?

Mục tiêu điện gió ngoài khơi của Việt Nam tiếp tục gặp thách thức. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Tập đoàn Orsted bắt đầu phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi từ năm 1991 với dự án đầu tiên Vindeby ở Đan Mạch và là công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu.

Orsted hiện đầu tư tại 7 quốc gia với hơn 7,6GW công suất điện gió đang hoạt động và 2,3GW đang được xây dựng.

Với tâm thế của một tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới, Orsted đã nhắm Việt Nam như một đại bản doanh mới và thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh sân chơi điện gió ngoài khơi tại đây.

3 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, với những đề xuất táo bạo, nhiều hoạt động nghiên cứu có giá trị và một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng cùng với Tập đoàn T&T khiến cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này không khỏi chờ đợi.

Theo đó, liên danh Orsted - Tập đoàn T&T lên kế hoạch rót khoảng 30 tỷ USD phát triểc các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 21GW.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam.

Liên quan tới việc hợp tác cùng Tập đoàn T&T trong phát triển dự án ĐGNK tại một số địa phương, Orsted Việt Nam cho biết không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát đánh giá tài nguyên biển đến Bộ Tài nguyên và môi trường, cũng như sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động phát triển nào cho các dự án ĐGNK chung của 2 bên.

Tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới này cũng sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ (MoU) với T&T Group và tôn trọng việc tập đoàn này tiếp tục phát triển các dự án ĐGNK một mình hoặc với bất kỳ đối tác phù hợp nào.

Đặc biệt, Orsted sẽ rà soát đánh giá lại MoU ba bên ký với Trung tâm đổi mới sáng tạo (thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư) để xem xét các phạm vi công việc khả thi mà Orsted có thể tiếp tục triển khai.

Gần hơn, trung tuần tháng 10 vừa qua liên danh Orsted – T&T Group cũng đã thông báo tới UBND tỉnh Hải Phòng và Thái Bình về quyết định chiến lược của Orsted đối với hai siêu dự án ĐGNK có công suất lần lượt 3.900MW và 3.000MW.

Cụ thể, Orsted xác nhận dừng các hoạt động phát triển dự án tại Việt Nam và không tiếp tục phát triển, đầu tư cho 2 dự án ĐGNK mà liên danh đang chung tay thời gian qua.

Đâu là nguyên nhân?

Việc Orsted dừng đầu tư tại một thị trường nhiều tiềm năng phát triển ĐGNK như Việt Nam thực sự gây bất ngờ cho nhiều người.

Đặc biệt, Orsted quyết tâm “bỏ cuộc chơi” ngay trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, bất chấp rất nhiều thời gian, chi phí cơ hội mà tập đoàn này đã bỏ ra từ năm 2020 tới nay.

Theo đó, ngay trước thềm năm 2023, người đại diện phát ngôn của Orsted đã đưa ra thông điệp rõ ràng về yếu tố quyết định then chốt cho kế hoạch đầu tư của họ đó là chính sách, hướng dẫn từ Nhà nước để khuyến khích và thúc đẩy các nhà đầu tư.

Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất như nêu trên nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án.

Orsted cho biết, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án ĐGNK bị chậm trễ và không rõ ràng. Orsted đánh giá, ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.

Nghị định sửa đổi Nghị định 11 về khảo sát đánh giá tài nguyên khu vực biển đang trong quá trình phê duyệt và việc độc quyền vị trí khảo sát cũng như yêu cầu về nộp dữ liệu thu thập hiện đang là các nội dung gây quan ngại lớn cho nhà phát triển dự án.

Vì sao Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam? 2

Tại thị trường Việt Nam hiện tại, những nhà đầu tư như Ørsted sẽ chưa am tường đầy đủ về các rủi ro của thị trường – những rủi ro này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dự án.

Ông Sebastian Hald Buhl

Giám đốc quốc gia của Ørsted tại Việt Nam

Khi chờ đợi Nghị định 11 về giao biển để tiến hành khảo sát ngoài khơi, Orsted nhận thấy có rủi ro về tiến độ. Trong trường hợp Nghị định 11 về giao biển được ban hành giữa năm 2023, thời gian này lại rơi vào “cửa sổ thời tiết”, khi đó, dù nhà đầu tư đã có đầy đủ giấy phép thì công việc khảo sát sẽ chỉ được tiến hành vào đầu năm 2024.

Cộng với việc phải mất 6-8 năm triển khai, hoàn thiện dự án, sẽ rất khó đạt được mục tiêu về phát triển ĐGNK trước năm 2030. Đây là điều lo lắng nhất của Orsted ở thời điểm cuối năm 2022.

Vấn đề tiếp theo, là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng. Việc đánh giá, dự báo được nguồn doanh thu ổn định từ dự án rất quan trọng trong phân tích kinh tế tài chính.

Đồng thời, cơ chế mua điện của Chính phủ từ các dự án ĐGNK vẫn chưa rõ ràng, liệu sẽ là cơ chế thông qua đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay cơ chế đấu thầu cạnh tranh về giá hay một mức giá mua điện cố định trong một thời gian có lợi cho nhà đầu tư.

Một yếu tố khác, là thiếu hợp đồng mua bán điện có tính vay vốn ngân hàng hay các định chế tài chính. Các dự án ĐGNK cần hàng tỷ USD vốn đầu tư, do đó việc có sự tham gia của các bên cho vay lớn có uy tín và hợp đồng mua bán điện đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của bên cho vay là rất quan trọng.

"Hiện vẫn chưa rõ là các rủi ro lớn của dự án như tỷ lệ cắt giảm sản lượng hay điều khoản dừng hủy hợp đồng liệu có được thể hiện ở mức đáp ứng được các yêu cầu của các bên cho vay tiềm năng trong ngành ĐGNK hay không", Orsted đặt câu hỏi.

Có thể thấy, sự kiện Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển các dự án ĐGNK Việt Nam có sự ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này.

Đồng thời, với việc dẫn ra các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ lệ lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng trong khi lợi nhuận đã cố định như một phần nguyên nhân giải thích cho hành động của Orsted tại Việt Nam.

Việc giữ chân các "đại bàng" là cần thiết nhưng phải làm sao để hài hòa với sự phát triển bền vững nền kinh tế và lợi ích quốc gia.

Đây cũng là một bài toán khó với Chính phủ và các cơ quan quản lý trước nguy cơ các tập đoàn đa quốc gia có thể "tháo chạy" khỏi thị trường Việt Nam bất cứ lúc nào nếu gặp trở ngại.

Tin liên quan

Quy định 'trần' tổng chi phí lãi vay là không hợp tình hợp lý

Quy định 'trần' tổng chi phí lãi vay là không hợp tình hợp lý

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ban hành Công văn đề nghị khẩn trương sửa đổi khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng không quy định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết…

Quan tâm việc dạy thêm, học thêm

Quan tâm việc dạy thêm, học thêm

Lâu nay, việc học thêm luôn luôn là nhu cầu chính đáng của học sinh. Bởi thế, việc đáp ứng nhu cầu ấy luôn là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Chờ phương án thi vào lớp 10

Chờ phương án thi vào lớp 10

Năm học 2024-2025 là năm Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến 12. Đây cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và vào lớp 10 theo chương trình mới. Các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều mong ngành giáo dục sớm công bố định hướng thi cử để học sinh kịp thời ôn luyện.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.