Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng phản hồi đề xuất của tỉnh này về chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng Trần Đề...
Theo văn bản này, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, cảng biển Trần Đề trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng biển loại III, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Còn tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ có đề ra định hướng cảng biển Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; phát triển cảng Hòn Khoai thành bến cảng tổng hợp; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 để xác định quy mô cảng biển Trần Đề cho phù hợp.
Việc UBND tỉnh Sóc Trăng xác định quy mô dự án cảng biển Trần Đề cũng sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.
Cụ thể, nếu cảng biển Trần Đề được xác định là cảng biển đặc biệt thì thẩm quyền phê duyệt dự án là của Thủ tướng.
Do đó, "Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về PPP để xác định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng cho biết thêm, việc xác định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư không chỉ căn cứ vào tiêu chí phân loại cảng biển, mà còn căn cứ vào các tiêu chí như số vốn đầu tư công tham gia vào dự án, quy mô chuyển mục đích sử dụng đất, quy di dân tái định cư, cơ chế chính sách đặc biệt áp dụng cho dự án... được quy định tại các Điều 30, 31 Luật Đầu tư và Điều 12 Luật PPP.
Về nguồn vốn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Điều 33 của Luật Đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư có thể do nhà đầu tư đề xuất hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập.
Với những cơ sở nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn vốn ngân sách của địa phương bố trí cho công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án (trường hợp lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư).
Theo quy hoạch này đã được phê duyệt và theo đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2030, cảng Trần Đề sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200 m, gồm bốn bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT giảm tải và hai bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT. Công suất hàng hóa thông qua khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, diện tích cảng rộng 1.400 ha. Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500 m tiếp nhận sà lan đến 5.000 tấn phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18 km.