Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Tiếp đó, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết số 11/2022/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong hai năm 2022 - 2023.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Đề nghị các địa phương thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn, lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại, đưa vào kế hoạch để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Ban hành các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, làm cơ sở cho các nhà đầu tư căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án của mình để tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Lập phương án, dự kiến các địa điểm để bố trí chỗ ở tạm thời phục vụ xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ có quy mô từ 2 - 6 tầng, chủ yếu xây dựng từ những năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…
Hiện có khoảng 200 nhà chung cư cũ xác định ở mức độ nguy hiểm cấp C; 137 nhà cấp B; và 7 nhà thuộc diện cấp D (đặc biệt nguy hiểm). Tuy nhiên, từ năm 2007, TP.Hà Nội mới chỉ cải tạo được 18 nhà chung cư cũ.
Cuối năm 2021, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ lựa chọn 10 khu chung cư cũ để cải tạo gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân; và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp (P.Cống Vị, Q.Ba Đình).
Đợt 1 sẽ ưu tiên cải tạo các khu chung cư cũ ở Giảng Võ, Thanh Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp với kinh phí dự kiến hơn 60.000 tỉ đồng.
Hoàng Hà