Thuế giá trị gia tăng chính thức giảm 2% từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo nghị quyết của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo đó, nghị định quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
Bên cạnh đó, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, công nghệ thông tin cũng không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng. Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Về mức giảm thuế, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định.
Chính sách thuế hiệu quả trước thuế suất tối thiểu toàn cầu
Trước đó, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ cần ưu tiên giảm thuế giá trị gia tăng và lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo các đại biểu Quốc hội, việc giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%), bên cạnh đó là giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10% là giải pháp kịp thời để tháo gỡ bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Đại biểu Lê Quân (đoàn TP. Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 1/7/2024 hoặc hết năm 2024. Điều này sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh sau thời gian dài khó khăn.
Đồng quan điểm, phân tích về tính khả thi của việc giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách. Đây chính là giải pháp bền vững để lấy lại đà tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2023 và trong dài hạn.