Tại Kỳ họp thứ 15, Kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành.
Về nội dung cụ thể, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế, xã hội, 5 vùng đô thị.
Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm; thành phố phía Tây; vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì; thành phố phía Bắc; đô thị phía Nam.
Đồng thời, quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
Về đề án cải tạo chung cư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đã ban hành đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, kèm theo đề án là một số kế hoạch triển khai. Trong các kế hoạch đều giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND quận, huyện để thực hiện. Sở Xây dựng là cơ quan thường trực triển khai đề án đã quán triệt các văn bản của thành phố.
Kết quả cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng nêu, kế hoạch đợt đầu triển khai 10 khu, trong đó có 4 khu cấp độ D. Công tác đầu tiên phải làm là công tác kiểm định và quy hoạch. Đối với kiểm định, Sở Xây dựng phê duyệt nhiệm kiểm định cho 1.022 chung cư cũ.
Trong đó, Sở đã trực tiếp kiểm định 126 tòa, các quận, huyện nộp hồ sơ kiểm định lên Sở là 47 tòa nhà. Thời gian tới, Sở dự kiến công bố 53 kết quả kiểm định chung cư cũ. Sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch sẽ xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư cũng được thực hiện theo quy định.
Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, cải tạo chung cư cũ là vấn đề quan trọng đối với quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là tại Hà Nội, song thực tế kết quả vẫn thấp, việc cải tạo chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so tổng số nhà chung cư cũ tại đây.
Cụ thể, năm 2020, toàn thành phố Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng vào giai đoạn 1960 đến 1992. Nhưng 20 năm qua mới hoàn thành cải tạo khoảng 1,14% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ cần được sửa chữa, cải tạo, làm mới.
Diện tích căn hộ cũ phần lớn từ 30 - 50m2/căn, cá biệt, tại Khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, khoảng 70% số căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30m2, nhưng hầu hết đều tự cơi nới, sửa chữa để “sống tạm”, khá nguy hiểm và làm ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị.
Đặc biệt theo thời gian, do không duy tu bảo trì thường xuyên nên hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, khiến nhiều chung cư cũ tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, một số hỏng nặng gây nguy hiểm về an toàn kỹ thuật kết cấu công trình. Qua thống kê, tổng cộng có số 401 chung cư cũ được kiểm định, thì 80 chung cư cũ nguy hiểm thuộc mức độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) song thành phố mới triển khai 32 dự án cải tạo chung cư cũ với 18 dự án hoàn thành.
Gia Hân