Hạn chế xe máy: Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào?

UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị, trong đó có việc hạn chế xe máy. Vậy Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào để phương án này khả thi?

Đề xuất không mới...

Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị, trong đó nêu cụ thể về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội đưa ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án và các chương trình ưu tiên thực hiện. Trong đó, Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào, Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025.

xe máy Cấm xe máy là đề xuất không mới nhưng mãi chưa làm được

Đề án cũng phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, được giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp công an thành phố.

Việc hạn chế xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 Quận trong nội thành Hà Nội, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Đề án này một lần nữa “khơi” lại vấn đề tranh luận “nóng” nhiều năm nay, đó là “có nên cấm xe máy trong nội đô?”, “cấm xe máy có khả thi?”, “hạn chế xe máy, người dân đi bằng gì?”.

Thực tế, phương án hạn chế xe máy ở các quận nội thành Hà Nội nói riêng, các thành phố lớn trên cả nước nói chung đã được đưa ra từ năm 2015. Cuối năm 2016, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cho lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô theo ba giai đoạn. Đến cuối năm 2019, thành phố lấy ý kiến cho hai phương án hạn chế xe máy: phương án hạn chế ở 12 quận nội thành, 5 huyện chuẩn bị lên quận và phương án hạn chế theo vành đai (hạn chế từ vành đai 3 trở vào). Cuối năm 2021, Hà Nội lại đưa ra đề xuất hạn chế xe máy từ vành đai 3 kết hợp với quốc lộ 5 kéo dài, giai đoạn 2026-2030.

Nhiều lần, nhiều phương án đưa ra nhưng cũng rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề hạn chế xe máy, song, hiện tại chưa có quy định nào đi vào thực tế theo lộ trình.

...Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào?

Thống kê đến tháng 7/2022, Hà Nội gần 6,5 triệu xe máy. Con số này chưa bao gồm phương tiện của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố. Gần chục năm qua, rất nhiều con đường đã được mở mới, nhiều con đường được nâng cấp, mở rộng.

Tuy nhiên, ùn tắc vẫn xảy ra. Số km đường được mở gần như không thể đáp ứng được số lượng phương tiện tăng lên chóng mặt. Nhiều chuyên gia cho rằng, hạn chế xe máy trong nội đô là quyết sách rất cần thiết, nhưng phải tính toán kỹ các yếu tố liên quan, hỗ trợ để đề án khả thi, đạt hiệu quả cao.

Hạ tầng giao thông công cộng Hà Nội Cấm xe máy cần tính đến việc hạ tầng giao thông công cộng đã phát triển hay chưa?

Muốn hạn chế xe máy, trước mắt, Hà Nội phải lập tổng thể phương án vùng hạn chế xe máy gồm: đánh giá lưu lượng xe máy, mức độ phủ sóng của giao thông công cộng. Khi có vùng này rồi, cần phải thiết lập bãi xe, nhà xe ngoài vùng hạn chế để người dân gửi xe trước khi chọn xe công cộng.

Trước hết, hãy xem hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội có những gì, sẽ có những gì vào năm 2030. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì khi hạn chế xe máy, thành phố cần phải để người dân có sự lựa chọn.

Hiện nay, cả thành phố mới có 1 tuyến buýt nhanh BRT, 1 tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và chưa thể hình thành cả một mạng lưới. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện chỉ ở mức 18,5%, có nghĩa là vận tải khách công cộng mới chỉ đang đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu.

Nếu hạn chế xe máy, cơ quan chức năng rất cần nghiên cứu kinh nghiệm ở những thành phố lớn trên thế giới, để xem khi cấm, họ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân thế nào?

Đi xe máy hay gặp cảnh tắc đường, nhưng vì sao nhiều người vẫn sử dụng mà không chọn xe buýt, tàu điện? Bởi tàu điện thì chỉ có 1 tuyến, còn xe buýt có đảm bảo đúng giờ hay không, tần suất hoạt động giờ cao điểm thế nào, lộ trình di chuyển, việc tiếp cận có thuận lợi hay không, chất lượng phục vụ ra sao thì không ai dám chắc.

Nếu ra khỏi nhà, tiếp cận dễ dàng với phương tiện công cộng, chất lượng dịch vụ tốt, văn minh, giá vé hợp lý thì không có lý gì người dân lại không thay đổi thói quen.

Bằng chứng là với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến nay đã có nhiều người từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang mua vé tháng. Nhưng họ cũng chỉ lựa chọn để di chuyển trên lộ trình Cát Linh - Hà Đông mà thôi. Muốn di chuyển tới những địa điểm khác, họ vẫn buộc phải lưu thông bằng những cách khác. Đó là chưa kể các bãi gửi xe bố trí tại các ga tàu gần như không có.

Xe buýt Xe buýt công cộng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân

Trong khi đó, hệ thống xe buýt tuy đã được quan tâm đầu tư, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, song vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Vì thế, câu hỏi cần được cơ quan chức năng của thành phố trả lời là nếu cấm thì hàng triệu người đi xe máy sẽ đi bằng phương tiện gì? Hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải công cộng lúc đó có đáp ứng được không?

Nếu câu trả lời là “có”, nhiều người tin rằng, người dân sẽ đồng thuận. Và khi dịch vụ vận tải công cộng phát triển, có lẽ không cần cấm, lúc đó người dân tự khắc sẽ thay đổi thói quen, từ bỏ xe cá nhân để đi làm, đi học, đi chơi.

Còn nếu câu trả lời vẫn chưa chắc chắn, e rằng lần này kết quả cũng sẽ khó có thể thay đổi so với những lần trước, khi đề án được đưa ra bàn thảo.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.