Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9 theo lời mời từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Sau khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều 10/9, Tổng thống Biden cùng phái đoàn tháp tùng di chuyển về Phủ Chủ tịch để tham dự lễ đón cấp Nhà nước. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng.
Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm 2021. Sự kiện lần này diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ đến Hà Nội và gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo chủ chốt khác của Việt Nam để thảo luận những biện pháp làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Việt Nam và Mỹ triển khai hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục, đến khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre chia sẻ: "Các nhà lãnh đạo sẽ khám phá cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới, tăng cường giao lưu nhân dân thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực".
Quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa từ tháng 7/1995 và nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 7/2013, với nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra.
Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam sẽ tiếp thêm động lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt - Mỹ. Chủ đề chính của chuyến thăm lần này sẽ bao gồm hợp tác kinh tế liên quan đến việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển và đầu tư các ngành công nghệ cao như sản xuất vật liệu bán dẫn, chuyển dịch năng lượng trong bối cảnh nước ta đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN.
Thương mại Việt - Mỹ đạt hơn 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021, và đạt hơn 51,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam hiện có hơn 30.000 học sinh, sinh viên học tập tại Mỹ, đứng thứ 5 trong số những quốc gia có nhiều du học sinh nhất tại nước này. Mỹ cũng tổ chức nhiều dự án giáo dục tại Việt Nam, trong đó có Đại học Fulbright và chương trình tình nguyện viên dạy tiếng Anh trong khuôn khổ Peace Corps.
"Chủ đề chính của chuyến thăm sẽ là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư chiếm ưu tiên cao. Lĩnh vực này tiếp tục là trọng tâm, nền tảng, đồng thời là động lực cho hợp tác chung trong quan hệ hai nước. Hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón nhiều quan chức cấp cao về kinh tế, thương mại của Mỹ sang thăm, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. Cùng với đó là các đoàn doanh nghiệp, nổi bật nhất là đoàn 52 tập đoàn lớn của Mỹ, mong muốn tìm cơ hội mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Trích dẫn một bài bình luận của các nhà kinh tế Reuters, Mỹ đang rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, năng lượng cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể tăng cường hợp tác.
Trong khi đó, CNN đã dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden: "Nước Mỹ có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam và mối quan hệ đó đang được cải thiện trên nhiều lĩnh vực. Đây là mối quan hệ quan trọng ở một khu vực rất quan trọng trên thế giới".