Dù các cá nhân đứng tên không trực tiếp đến ngân hàng, các giao dịch viên, kiểm soát viên của ngân hàng BIDV, chi nhánh Thanh Xuân vẫn đồng ý thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền theo chứng từ đã được ký sẵn .
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) mới đây đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Trong đó, kết luận điều tra bổ sung cũng nhắc đến 13 kiểm soát viên và giao dịch viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, có đủ căn cứ xác định, từ năm 2014- 2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế nhờ các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc hệ thống FLC và là người thân đứng tên cổ đông góp vốn, ký sẵn các chứng từ để bà Huế dùng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền, tạo dòng tiền qua tài khoản, hợp thức việc góp khống vốn điều lệ vào Công ty Xây dựng Faros.
Hầu hết các cá nhân đều không trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền, nhưng các giao dịch viên, kiểm soát viên của ngân hàng BIDV, chi nhánh Thanh Xuân vẫn đồng ý thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền theo chứng từ đã được ký sẵn để bà Huế hợp thức tạo dòng tiền góp vốn khống.
Cơ quan điều tra cho rằng, việc này vi phạm khoản 2, Điều 12 Quy định số 6440/QĐ-NHBL của Ngân hàng BIDV. Nhưng khi thực hiện, các giao dịch trong tài khoản của các cá nhân có đủ số tiền để thực hiện giao dịch, chứng từ đầy đủ về hình thức, nội dung, đầy đủ chữ ký của chủ tài khoản theo quy định.
Theo cơ quan điều tra, các giao dịch viên không biết mục đích của việc nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền để nhằm mục đích nâng khống vốn, niêm yết, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Hơn nữa họ cũng không được hưởng lợi ích gì từ hành vi của mình mà chỉ được hưởng lương hàng tháng.
Do đó, không có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với 13 giao dịch viên, kiểm soát viên nói trên. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý nghiêm các sai phạm nêu trên.
Theo kết luận điều tra, tháng 8/2012 ông Quyết chỉ đạo cấp dưới mua lại một công ty giải trí với giá 1,5 tỷ đồng. Từ năm 20212 đến tháng 4/2014, công ty gần như không có hoạt động, vốn vẫn là 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn từ tháng 4/2014 đến năm 2016 công ty làm tổng thầu thi công các dự án của tập đoàn FLC, nguồn vốn hoạt động là tiền ứng trước từ tập đoàn FLC.
Sau khi đổi tên công ty, Chủ tịch FLC chỉ đạo em gái cùng một số người khác lập, ký khống hồ sơ vốn góp để bắt đầu chiến dịch nâng khống vốn điều lệ cho Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Công ty Faros sau đó niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, ông Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống thu về hơn 4.818 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Sai phạm của cựu chủ tịch FLC cùng hàng chục người khác là lãnh đạo, nhân viên của FLC và công ty ty liên quan bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên theo bản kết luận điều tra, ông Quyết và nhiều đồng phạm phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, ông Quyết và nhiều người khác còn bị C01 truy tố về tội thao túng chứng khoán. Đồng thời 7 người khác trong đó có các cựu lãnh đạo của HOSE bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
TLD