Nợ công bình quân đầu người của Việt Nam là 36,71 triệu đồng

Nợ công bình quân đầu người năm 2021 là 36,71 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng/người so với năm 2020. Đáng chú ý, nợ công hiện đã bằng 42,65% GDP...

Nợ công bình quân đầu người Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021

Số liệu trên được Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu lên trong báo cáo tóm tắt báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, dư nợ công đến 31/12/2021 là 3.616.484 tỷ đồng, tăng 2,72% so với năm 2020, bằng 42,65% so với GDP.

Nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người; năm 2020 là 35,1 triệu đồng/người).

Đáng chú ý, trong năm 2021 có 3 khoản trị giá 198.864 tỷ đồng, vay từ ngân quỹ Nhà nước của ngân sách Trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 34.595 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 37.010 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Trong phần chi đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước bằng 36,53% kế hoạch giao. Trong đó một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân; số vốn nước ngoài năm 2021 bị hủy khá lớn (trên 20.000 tỷ đồng vốn ODA các bộ, địa phương đề nghị trả lại), ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, các khoản giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước đối với nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi chưa được hạch toán vào ngân sách Nhà nước là 3.465,904 tỷ đồng....

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; rà soát, tổng hợp chính xác số dư ứng trước đến hết Kế hoạch năm 2021 thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương phải bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn thu hồi, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhất trí đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Chính phủ trình.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị từ quyết toán ngân sách nhà nước niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về ngân sách nhà nước trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi trong năm 2022 và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán ngân sách nhà nước (bao gồm cả các trường hợp HĐND các cấp đã phê chuẩn quyết toán).

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.