Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đặt mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo trình độ sơ cấp (SC), trung cấp (TC). Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu vẫn chưa đạt được…
Thay đổi từ thị trường lao động
Nguyễn Văn Lâm (20 tuổi) đang làm Trưởng nhóm thiết kế cho một Công ty Quảng cáo lớn tại Hà Nội. Trước đây, Lâm theo học hệ 9+ (mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS) với ngành thiết kế đồ họa. Ba năm học hệ TC nghề và học văn hóa, khi ra trường, Lâm vừa có trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT quốc gia lại “dắt lưng” bằng nghề để “kiếm cơm”. Đam mê hội họa và máy tính, Lâm quyết tâm “đào sâu” học nghề thêm một năm liên thông ở hệ cao đẳng (CĐ). “Khi ra trường ở tuổi 19, bản thân em còn rất nhiều lo lắng về cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Nhưng từ khi làm việc đến giờ, em thấy mọi kiến thức trong trường về chuyên môn và kỹ năng mềm đều giúp cho quá trình làm việc rất tốt”, Lâm cho biết.
Trong khi các bạn cùng trang lứa đang học năm thứ hai đại học (ĐH) thì Lâm đã có công việc ổn định với mức thu nhập đủ nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Hiện Lâm đang chuẩn bị hồ sơ để học liên thông lên ĐH. Với những sinh viên đã hoàn thành chương trình học nghề ngay từ bậc phổ thông như Lâm, khi tiếp tục học lên ĐH có rất nhiều lợi thế. Nguyễn Văn Lâm chia sẻ: “Đã học ở CĐ rồi, có một vài tín chỉ đã hoàn thành thì sau lên ĐH sẽ rút ngắn thời gian học hơn, dễ được xét tuyển và ít áp lực về thi cử hơn”.
Sinh viên Bùi Hoài Linh (17 tuổi) theo học chuyên ngành Tiếp thị số, Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: “Ngoài việc chuẩn bị hoàn thành chương trình văn hóa lớp 12, chúng em cũng chuẩn bị hoàn thành chương trình CĐ nghề. Chúng em được trải nghiệm nhiều, cũng như được tiếp cận nhiều điều mới, những xu hướng trên thị trường đang có. Thí dụ, chúng em vừa có một ca thực hành livestream bán hàng. Giờ học thật sự hữu ích và hấp dẫn”.
Hiện nay, ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, học sinh thi vào hệ THPT công lập chịu nhiều áp lực vì tỷ lệ trượt ngày càng cao (xấp xỉ 50%). Điều này cho thấy, việc lựa chọn học nghề và học văn hóa từ bậc THPT là thức thời, ngang bằng với hướng đi học văn hóa toàn thời gian.
Ông Bùi Quang Hùng, Giám đốc Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam bước khá nhanh qua giai đoạn đỉnh cao về dân số vàng, thì việc phân luồng học sinh sớm sau THCS sẽ đóng vai trò rất quan trọng để chúng ta bổ sung về số lượng nguồn nhân lực cũng như nâng cao được sức cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam. Với trình độ tốt nghiệp hệ CĐ ở lứa tuổi 18, các bạn có thể tham gia thị trường lao động sớm hơn, có thu nhập sớm hơn, thành công sớm hơn”.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền Bắc Navigos Search (công ty tuyển dụng nhân sự lớn tại Việt Nam) cho biết: Luật Lao động hiện hành đã cho phép, người từ 15 tuổi trở lên có thể gia nhập thị trường lao động ở từng khu vực và ngành nghề khác nhau. Thực tế ở các vùng nông thôn, rất nhiều em ở độ tuổi 15, 17 đã tham gia thị trường lao động, còn ở thành phố, các bạn trẻ thường có xu hướng được học lên cao.
Từ thực tế tuyển dụng, bà Lan chia sẻ, trên thị trường lao động, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN nước ngoài vào Việt Nam, họ lại cần những người “thực chiến” để có thể làm việc ngay. “Kể cả các bạn kỹ sư, cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH cũng vẫn chưa đạt được những mong muốn của nhà tuyển dụng. Hoặc thậm chí có những người học kỹ sư xong, chúng tôi lại yêu cầu làm công việc giống như một bạn kỹ thuật viên. Thực tế, DN sử dụng kỹ sư giống như kỹ thuật viên vì không đủ kỹ thuật viên cần thiết trên thị trường. Hiện nay, thị trường lao động đã hoàn toàn thay đổi. Nhu cầu của DN đã thay đổi”.
|
Làm thủ tục nhập học tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
|
Thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh
Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển giáo dục năm 2011-2020 và các quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu là đến năm 2020, có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN, đào tạo trình độ SC, TC. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì đạt ít nhất là 25%. Đến năm 2025, có ít nhất 40% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN, đào tạo trình độ SC, TC. Còn đối với các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì đạt ít nhất là 30%.
“Nhưng thực tế, chúng ta chưa đạt được mục tiêu này. Theo tính toán của chúng tôi, mới đạt được khoảng 20%, tùy từng địa phương. Một lần nữa, Ban Bí thư T.Ư Đảng vừa ra Chỉ thị 21 tiếp tục khẳng định, đến năm 2030, chúng ta phải phân luồng được 45%. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị”, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nói.
Theo các chuyên gia, vấn đề tâm lý của phụ huynh và học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn học nghề hay không. Đã từ lâu, cả xã hội ăn sâu tiềm thức khoa bảng, phụ huynh luôn mong muốn con cái có một tấm bằng ở trong tay. Và khi các em chọn bằng cấp cao thì hầu hết sẽ hướng vào khối hàn lâm, khối nghiên cứu. Trong khi đó, bằng cấp từ CĐ trở xuống sẽ ra ngay thị trường lao động và thị trường này chiếm đến 75% lực lượng lao động. Điều này, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức cho xã hội là “học vừa đủ”, học những thứ ta cần, học đúng với khả năng. Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu học tập của mỗi cá nhân, hiện có thể liên thông từ hệ TC-CĐ, từ CĐ-ĐH nên nhận thức để học bằng cấp phù hợp trong từng giai đoạn là rất quan trọng.
Ông Bùi Quang Hùng cho rằng, về mặt chủ quan, chúng ta cũng phải nhìn nhận, các cơ sở GDNN: các trường CĐ, TC cũng phải nhìn lại mình, cần phải đổi mới, thay đổi, phải cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu của DN. Các đơn vị, các cơ sở GDNN phải tạo ra môi trường học tập nhiều trải nghiệm, làm sao thu hút được nhiều bạn học sinh. Bên cạnh đó, làm sao chúng ta phải thay đổi phương pháp giảng dạy để phụ huynh và các bạn học sinh sẽ hào hứng lựa chọn môi trường GDNN để phát triển bản thân.
Hiện nay có hai mô hình phân luồng học sinh triển khai sau THCS. Một mô hình là học sinh sẽ học 7 môn văn hóa phổ thông song song với việc học các môn về GDNN. Phần lớn các trường CĐ-TC đang triển khai theo mô hình này. Có một vướng mắc hiện nay là chương trình đào tạo nghề do trường quản lý, học tại trường. Còn chương trình văn hóa do Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận (huyện) quản lý và học tại các cơ sở này. Đại diện các trường nghề đều mong muốn Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH có quy định cụ thể để các cơ sở GDNN được dạy 7 môn văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong quá trình học và đi thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.
Còn ở một số cơ sở GDNN lựa chọn chỉ dạy 4 môn văn hóa và khi học xong chỉ được cấp bằng nghề chứ không được cấp bằng THPT quốc gia. Ở Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic đang lựa chọn hướng thứ hai. “Khi triển khai mô hình này, chúng tôi có thời gian tập trung vào chuyên môn, đưa thêm vào chương trình đào tạo về kỹ năng cho các bạn sinh viên. Ngoài ra, có thêm các chương trình phát triển về hướng nghiệp và chúng tôi cũng sẽ thay đổi phương pháp giáo dục. Bằng những việc đó, các bạn sinh viên cũng bắt đầu xác định được đam mê, xác định được sở thích của mình và từ đó, các bạn đáp ứng rất tốt với việc học tập”, ông Bùi Quang Hùng cho biết.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình đề xuất, công tác tư vấn sớm cho học sinh phổ thông là điều cần thiết và phải làm một cách khoa học và bài bản. Hiện, chúng ta mới triển khai hoạt động tư vấn trong các trường phổ thông và đội ngũ làm công tác này hơi mỏng. Thời gian tới, các trường phổ thông nên phối hợp với khối DN và khối GDNN. Khối GDNN có các thầy, cô có chuyên môn về nghề nghiệp, trực tiếp tư vấn cơ hội việc làm có thể hướng nghiệp. Quan trọng của hướng nghiệp là làm sao để các em đánh giá được khả năng của mình, mong muốn của mình từ sớm để tham gia cơ hội nghề nghiệp.
AN NHƯ