Chiều 26/11, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề "Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra 6 đề xuất có tính mới, đột phá.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Từ đó, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của cả nước, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Thứ nhất, quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển.
Thứ hai, quy hoạch nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu)...
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Thứ ba, quy hoạch vùng xác định rõ hệ thống các hành lang phát triển chủ yếu của vùng. Cùng với đó là cụ thể hóa các hành lang kinh tế trên địa bàn vùng được nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia (hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ).
Thứ tư, định hướng tổ chức lại không gian phát triển công nghiệp vùng gắn với chia sẻ chức năng giữa các địa phương trong vùng, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công năng, mô hình phát triển các khu, cụm công nghiệp để dành không gian phát triển đô thị hiện đại tại các khu vực mật độ cao hiện hữu.
Thứ năm, quy hoạch nêu bật yêu cầu phải hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển của vùng và kết nối liên vùng.
Thứ sáu, quy hoạch xác định rõ hơn các nhiệm vụ chủ yếu trong liên kết vùng, cụ thể là tập trung thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển dọc theo các hành lang kinh tế; phân bố lại không gian sản xuất công nghiệp gắn với phát triển đô thị hiện đại; phát triển dịch vụ logistics, du lịch; khai thác không gian phát triển gắn với sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và xử lý các vấn đề môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước mang tính liên tỉnh, liên vùng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một vùng, một địa phương, một ngành, một lĩnh vực và của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là việc khó, phức tạp.
Thủ tướng lưu ý, các quy hoạch cần phát huy tối đa tiềm năng con người, truyền thống văn hóa – lịch sử, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và động lực phát triển, đồng thời, khai thác tốt nhất điều kiện tự nhiên.
Cùng với đó, cần chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta và của vùng.
Gia Hân